Doanh nghiệp hưởng lợi gì từ chính sách mới về đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D)?

(Chinhphu.vn) - Một trong những chính sách quan trọng là cho phép tất cả các chi tiêu cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được trừ vào chi phí tính thuế.
Doanh nghiệp hưởng lợi gì từ chính sách mới về đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D)?- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy - Ảnh: VGP

Nâng cao đóng góp của TFP và đầu tư đổi mới công nghệ

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hướng tới tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, cuối năm 2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, yêu cầu đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững có chất lượng, yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp cho tăng trưởng kinh tế đất nước trên 50%.

Ngày 19/2/2025, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, các địa phương cần đưa mục tiêu TFP đóng góp vào tăng trưởng GRDP của các địa phương từ 50-55%, từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể về kinh phí đầu tư đổi mới KHCN, đưa các cơ chế, chính sách mới đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết này đã "cởi trói" một số nội dung về chi tiêu cho KHCN. Một trong những chính sách quan trọng là cho phép tất cả các chi tiêu cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được trừ vào chi phí tính thuế. 

Đây là nội dung "cởi trói" rất lớn so với trước đây chỉ cho phép doanh nghiệp trích Quỹ KHCN của doanh nghiệp tối đa không quá 10% thu nhập chịu thuế (con số này nhỏ hơn nhiều so với tổng doanh thu của doanh nghiệp).

Với cơ chế mới này, doanh nghiệp có thể đầu tư cho nghiên cứu phát triển gấp 10 thậm chí đến 20 lần, đặc biệt giai đoạn này sẽ hỗ trợ tốt khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt chi nghiên cứu phát triển ít hơn các nước tới 10 lần

Giải trình tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội, mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, hiện nay chi cho nghiên cứu phát triển của chúng ta đang là 0,5% GDP, mới được 1/4 so với mục tiêu 2%.

Trong 2% GDP này, chi của doanh nghiệp phải chiếm 70 - 80%, nhưng hiện nay doanh nghiệp mới chi khoảng 20.000 tỉ đồng một năm, mới đạt được 1/6 so với mục tiêu.

Do đó, Nghị quyết thí điểm cho phép doanh nghiệp chi cho khoa học, công nghệ ngoài Quỹ khoa học, công nghệ và được tính là chi phí hợp lệ, được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tức là doanh nghiệp có thể chi cho khoa học, công nghệ nhiều hơn 10% lợi nhuận trước thuế và cũng không bị ràng buộc bởi các quy định quá chặt chẽ của quỹ.

Việc giới hạn chi khoa học, công nghệ được hưởng ưu đãi thuế chỉ trong phạm vi quỹ khoa học, công nghệ đã làm cho các doanh nghiệp Việt Nam chi cho nghiên cứu phát triển ít hơn các nước tới 10 lần.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã có báo cáo chi tiết về đóng góp của đổi mới công nghệ và đổi mới quản trị, nâng cao hiệu suất cho các ngành vào tăng trưởng kinh tế. Bộ mong muốn các bộ, ngành sử dụng những kết quả nghiên cứu này để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu suất, chất lượng.

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua cơ chế cho phép toàn bộ các kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học thuộc sở hữu, được phép thương mại hóa ngay kết quả nghiên cứu mà không cần lập kế hoạch xin cấp trên. Điều này giúp rút ngắn thời gian đưa công nghệ vào ứng dụng thực tế.

"Với tháo gỡ này, ngay tuần tới, Bộ trưởng Bộ KH&CN sẽ chỉ đạo lãnh đạo đơn vị họp ngay các đơn vị đã có kết quả nghiên cứu, sẵn sàng ký hợp đồng triển khai daonh nghiệp đưa vào sản xuất kinh doanh ngay thời gian tới", Thứ trưởng Bùi Thế Duy thông tin.

Đồng thời cho biết, Bộ KH&CN cũng khuyến khích các địa phương quan tâm đến chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII), đây là công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế.

Trong tháng 5/2025, Bộ KH&CN dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đồng thời xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ giai đoạn 2026-2030 nhằm tạo đà cho tăng trưởng bền vững trong những năm tới.

Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang phối hợp chặt chẽ với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương và các nhà khoa học triển khai các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu phù hợp, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới, đặc biệt hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Nghiên cứu đổi mới mô hình tăng trưởng để thúc đẩy đột phá kinh tế

Mới đây tại Hội thảo khoa học “Các vấn đề cần nghiên cứu đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP hai số trong giai đoạn 2026-2030 của Việt Nam”, Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và hướng tới mức 10% trong các năm tiếp theo, cần có những giải pháp khoa học, khả thi và mang tính đột phá. 

Ông Nguyễn Hồng Sơn lưu ý rằng, các nghiên cứu không chỉ dừng lại ở lý luận chung mà phải gắn chặt với định hướng và chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; cần thực hiện nhanh, đảm bảo tính khoa học, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.

Ông đề xuất các giải pháp như: Ổn định kinh tế vĩ mô trong mô hình tăng trưởng mới; phát triển ngành kinh tế có tiềm năng và lợi thế, để đảm bảo tăng trưởng hai con số; tháo gỡ các nút thắt thể chế, coi cải cách thể chế là chìa khóa phát triển; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân.

Trong khi đó, TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, năm 2025 sẽ đóng vai trò như một "năm tập dượt", tạo bước đệm quan trọng cho giai đoạn 2026-2030. 

Để đạt được tăng trưởng cao, Việt Nam cần: Tổng hợp, phân tích dữ liệu và học tập kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để rút ra mô hình tăng trưởng phù hợp; nghiên cứu và hình thành các cụm ngành kinh tế quốc gia dựa trên Nghị quyết 57, trong đó xác định rõ 4 ngành mũi nhọn: sản xuất công nghệ cao, kinh tế số - kinh tế dữ liệu, kinh tế xanh và kinh tế y sinh, gắn với chiến lược phát triển thông minh; nghiên cứu sâu về cơ chế đầu tư và huy động nguồn lực vào các ngành mũi nhọn, đặc biệt ưu tiên hai vùng kinh tế trọng điểm là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; hình thành quỹ chính sách và chiến lược quốc gia, cho phép sử dụng vốn nhanh hơn, linh hoạt hơn và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. 

Những định hướng này sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế và tạo nền tảng vững chắc để bước vào giai đoạn phát triển bứt phá.

Hoàng Giang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
'Đánh trúng' vào các điểm nghẽn kéo dài của khoa học công nghệ, chuyển đổi số'Đánh trúng' vào các điểm nghẽn kéo dài của khoa học công nghệ, chuyển đổi số
Tham khảo thêm
Đề xuất mạnh dạn bỏ đấu thầu, áp dụng cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu khoa họcĐề xuất mạnh dạn bỏ đấu thầu, áp dụng cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu khoa học