Doanh nghiệp bất động sản nắm loạt dự án tại đất vàng TP.HCM, Vũng Tàu: Cổ phiếu tăng vọt lên đỉnh 2 năm, "thay máu" toàn bộ HĐQT

Tính chung trong 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng thêm hơn 75% giá trị.

Bất chấp thị trường giằng co trong phiên cuối tuần, cổ phiếu VRC của Công ty Cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC tiếp tục bứt phá, nối dài chuỗi 2 phiên tăng kịch trần liên tiếp. Thanh khoản tại cổ phiếu này cũng sôi động hơn rõ rệt, từ vài chục nghìn đơn vị được giao dịch mỗi phiên lên hàng trăm nghìn đơn vị, giá trị giao dịch hàng tỷ đồng.

Thị giá cổ phiếu này cũng tăng tốc hơn 16% chỉ sau 4 phiên giao dịch để leo lên 14.200 đồng/cp - vùng giá cao nhất trong 2 năm qua. Tính chung trong 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng thêm hơn 75% giá trị.

Doanh nghiệp bất động sản nắm loạt dự án tại đất vàng TP.HCM, Vũng Tàu: Cổ phiếu tăng vọt lên đỉnh 2 năm, "thay máu" toàn bộ HĐQT- Ảnh 1.

Mặc dù cổ phiếu bật tăng mạnh mẽ song kết quả kinh doanh của VRC không mấy khả quan. Trong giai đoạn 2020-2023, doanh thu ghi nhận dưới 10 tỷ đồng, lợi nhuận cũng “mỏng như tờ giấy” khi đạt chưa tới 500 triệu đồng mỗi năm. Năm 2024, tình hình kinh doanh của VRC có phần khấm khá hơn với doanh thu tăng gấp gần 4 lần lên 15 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1,5 tỷ đồng, tăng 275% so với mức thực hiện năm trước.

Điểm đáng chú ý tại doanh nghiệp bất động sản này là biến động cơ cấu cổ đông và dàn lãnh đạo chủ chốt trong thời gian gần đây. Vào tháng 1/2025, bà Trần Thị Vân – cổ đông lớn của VRC đã bán ra gần 5,3 triệu cổ phiếu với lý do nhu cầu cá nhân, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 24,17% xuống còn 13,6%. Đây là lần đầu tiên bà Vân bán ra cổ phiếu VRC sau khi liên tục gom mua và trở thành cổ đông lớn tại doanh nghiệp vào tháng 10/2024.

Chiều ngược lại, cùng thời điểm trên, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã SHS) báo cáo đã mua gần 5,3 triệu cp VRC, bằng với số cổ phiếu mà bà Vân báo cáo đã bán. Qua đó, SHS chính thức trở thành cổ đông lớn của VRC với tỷ lệ sở hữu tăng từ 3,97% (gần 2 triệu cp) lên 14,54% (7,3 triệu cp).

Trước đó, doanh nghiệp cũng chứng kiến làn sóng thoái vốn mạnh mẽ từ dàn lãnh đạo doanh nghiệp. Chỉ trong tháng 10/2024, ông Phan Văn Tướng - cựu Chủ tịch HĐQT bán sạch hơn 7 triệu cổ phiếu VRC, ông Từ như Quỳnh - cựu Chủ tịch HĐQT cũng bán hết 6,27 triệu cổ phiếu VRC.

Không chỉ biến động về cơ cấu sở hữu, VRC còn có những xáo trộn về dàn lãnh đạo thượng tầng. Theo đó, cuối tháng 12/2024, cả 4 thành viên HĐQT bao gồm Chủ tịch kiêm thành viên HĐQT ông Phan Văn Tướng, 3 thành viên HĐQT khác là ông Trần Tuấn Anh, ông Từ Như Quỳnh (kiêm Thành viên viên Uỷ ban Kiểm toán) và ông Nguyễn Quốc Phòng (kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kiểm toán) đều xin từ nhiệm khỏi vị trí của mình. Riêng ông Phan Văn Tướng mới được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT VRC ngày 31/10 đã xin từ nhiệm khi chỉ ngồi “ghế nóng” chưa đầy 2 tháng.

Ngay sau đó, VRC đã bầu ông Nguyễn Huy Độ, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như - Tổng Giám đốc VRC và ông Dhananjay Vidyasagar giữ vị trí Thành viên HĐQT. Trong đó, ông Dhananjay Vidyasagar sẽ kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT VRC thay cho ông Phan Văn Tướng.

Nắm loạt dự án bất động sản tại TP.HCM, Vũng Tàu

Theo tìm hiểu, Bất động sản và Đầu tư VRC tiền thân là Xí nghiệp Xây lắp Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo - một trong những công ty xây dựng ra đời sớm nhất ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Doanh nghiệp niêm yết vào tháng 7/2010 và tái cấu trúc toàn diện vào năm 2017, qua đó chính thức đổi tên thành CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC và tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng như hiện tại. Đến tháng 6/2018, trụ sở chính của công ty được chuyển về TP.HCM.

Hiện tại, VRC đang triển khai nhiều dự án bất động sản trên "đất vàng" TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An đơn cử như dự án Khu dân cư P. Phú Thuận (quận 7, TPHCM), dự án Babylon Garden (quận 7, TPHCM), dự án tổ hợp khách sạn – chung cư cap cấp (TP Vũng Tàu).

Quỹ đất triển khai dự án của VRC chủ yếu đến từ việc thâu tóm CTCP ADEC - công ty có nguồn gốc là doanh nghiệp nhà nước. VRC đã đầu tư vào doanh nghiệp này vào năm 2017 và sở hữu 60,06% vốn với giá trị đầu tư gần 320 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2024, quy mô tài sản của VRC là 1.739 tỷ đồng, chủ yếu là hàng tồn kho với 1.185 tỷ đồng (tương ứng 68%). Doanh nghiệp phân bổ vào dự án Khu dân cư Nhơn Đức, Phước Lộc - Nhà Bè (785 tỷ), dự án Khu dân cư ADC Phú Mỹ (370 tỷ) và dự án Khu dân cư Long An (30 tỷ).