Ngăn tình trạng hàng giả, hàng nhái lộng hành
Tại dự thảo Luật Thương mại điện tử, Bộ Công Thương đang đưa ra một số quy định về trách nhiệm của người bán trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) để thu thuế, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo đó, dự thảo đề xuất người bán phải thực hiện định danh và xác thực điện tử (về tên thương nhân, địa chỉ, mã số định danh, mã số thuế thu nhập cá nhân) trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ và thông tin cho nền tảng TMĐT. Ngoài ra, người bán cũng phải công bố công khai điều kiện giao dịch chung, giá cả, vận chuyển và giao nhận, phương thức thanh toán (nếu có); minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ, các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đây là những quy định rất mới trong việc quản lý hàng hóa trên sàn TMĐT khi thời gian qua giao dịch bùng nổ nhưng chất lượng hàng hóa dường như thả nổi. Lực lượng chức năng xử lý không ít vụ hàng giả, kém chất lượng nhưng cũng chỉ như “đá ném ao bèo”.
![]() |
Việc định danh người bán hàng online là điều cần thiết để ngăn tình trạng hàng giả, hàng nhái. |
Ông Phan Minh Nhựt - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) - cho rằng, việc định danh người bán hàng trên thương mại điện tử là điều cần thiết. Bởi hiện nay người bán mở gian hàng online quá dễ dàng, là lỗ hổng để các đối tượng xấu lợi dụng các sàn TMĐT bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hoặc trốn thuế.
"Các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan thuế không thể theo dõi đầy đủ giao dịch và hoạt động của người bán. Người tiêu dùng khó có thể xác minh độ tin cậy của người bán hàng online. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng và làm giảm độ tin cậy của nền tảng TMĐT", ông Nhựt cho hay.
Theo ông Nhựt, hiện một số quốc gia đã áp dụng việc định danh người bán qua thương mại điện tử khá thành công. Việt Nam nếu triển khai sẽ có lợi thế vì hiện cơ quan chức năng đã tích hợp việc định danh vào ứng dụng VNID.
“Nếu định danh được tài khoản TMĐT, trong trường hợp người bán có hành vi bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các sàn TMĐT và cơ quan chức năng sẽ dễ phát hiện vi phạm và xử lý, góp phần ngăn được tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lộng hành”, ông Phan Minh Nhựt chia sẻ.
Cần liên thông, tránh lộ lọt dữ liệu
Cho rằng cần định danh người bán hàng online, song ông Nguyễn Bình Minh - Trưởng Ban phát triển nguồn lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - lưu ý việc triển khai cần phải có lộ trình. Với những người bán có doanh số lớn cần thiết phải thực hiện định danh trước, sau đó có thể thực hiện từng bước đối với các cá nhân, tổ chức có doanh thu ít hơn để tránh tình trạng chuyển ồ ạt, định danh hàng loạt.
Theo ông Minh, điều quan tâm nhất hiện nay là nhiều nền tảng, sàn TMĐT, mạng xã hội ở Việt Nam được điều hành bởi doanh nghiệp nước ngoài. Điều này khiến việc triển khai gặp khó khăn hơn, do đó cơ quan chức năng cần phải có quy định yêu cầu các sàn phải tuân thủ khi hoạt động tại Việt Nam.
![]() |
Theo các chuyên gia, việc định danh trên các sàn TMĐT xuyên biên giới cần có quy định bảo mật dữ liệu. |
Vị chuyên gia đặt vấn đề cần có quy định rõ về trách nhiệm của các nền tảng TMĐT trong việc phối hợp và bảo mật thông tin của người định danh; tránh tình trạng để lộ lọt thông tin và dữ liệu của người bán ra nước ngoài hoặc để bên thứ ba lợi dụng thu thập, bán thông tin để sử dụng cho mục đích bất chính.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết, qua các vụ việc xử lý, lực lượng quản lý thị trường nhận thấy các sản phẩm hàng giả, hàng nhái kinh doanh trên TMĐT thường có giá rẻ, nhưng qua các phiên bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội giá trị sẽ nhân lên nhiều lần. Khi bị phát hiện, các đối tượng sẽ xoá và đổi tài khoản liên tục. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thu thuế trên TMĐT.
Theo ông Lê, việc định danh không phải chỉ thực hiện một cách đơn thuần về thông tin cá nhân mà còn định danh về mặt địa lý - thực tế sản xuất hàng hoá, định danh được số lượng hàng bán trên thị trường…
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc quản lý TMĐT nói chung và phát trực tiếp (livestream) bán hàng nói riêng, đồng thời cần quản lý cả các đơn vị trung gian như giao hàng, chuyển phát nhanh; xuất hóa đơn khi giao dịch hàng hóa.
Đặc biệt, khi thực hiện định danh việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần phải đồng bộ. Bởi nếu không liên thông, các cơ quan sẽ rất khó trong việc phối hợp và gây xáo trộn, mất thời gian cho người bán hàng.
>>AI, chuyển đổi số sẽ thay đổi thị trường thương mại điện tử Việt 2025