Suốt hai tuần qua, giá vàng giao dịch trong biên độ hẹp. Mức tăng nhẹ trong phiên cuối tuần trước không đủ bù đắp cho đà giảm chung cả tuần. Kim loại quý tiếp tục chịu áp lực từ đồng USD mạnh lên và loạt dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực, khiến dòng tiền ưu tiên tài sản sinh lời.
Giới phân tích cho rằng, vàng hiện thiếu động lực đủ mạnh để tạo đột phá, nhất là khi đồng USD duy trì vị thế vững vàng còn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa phát tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ông Christopher Vecchio, Trưởng bộ phận Chiến lược tại Tastylive.com nhận định: “Vàng vẫn trụ vững trên vùng hỗ trợ 3.300 USD/ounce, cho thấy khả năng phục hồi nhất định. Tuy nhiên, tâm lý chốt lời ngắn hạn cùng sự thận trọng trước các chính sách mới đang kìm hãm đà tăng”.
Mối quan hệ nghịch đảo giữa vàng và USD tiếp tục duy trì. Khi Fed chưa phát tín hiệu sẽ giảm lãi suất, đồng USD hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, trong khi vàng - tài sản không sinh lời mất dần sức hút.
Thị trường hiện theo sát diễn biến chính sách tiền tệ của Fed, đặc biệt là khả năng điều chỉnh lãi suất trong kỳ họp sắp tới. Các chỉ số kinh tế gần đây như CPI, PPI, doanh số bán lẻ và đơn xin trợ cấp thất nghiệp đều cho thấy kinh tế Mỹ duy trì sức khỏe ổn định.
Theo công cụ FedWatch của CME, xác suất Fed giữ nguyên lãi suất trong khoảng 4,25% - 4,50% tại kỳ họp tháng 7 lên tới 95,3%, trong khi khả năng cắt giảm lãi suất chỉ ở mức 4,7%. Với kỳ họp vào tháng 9, xác suất giữ nguyên lãi suất là 39,3%, trong khi 58% kỳ vọng giảm xuống 4,00% - 4,25%.
![]() |
Giá vàng chịu áp lực từ đồng USD mạnh lên và loạt dữ liệu kinh tế Mỹ tích cực |
Bên cạnh đó, yếu tố chính trị cũng đang khiến thị trường thêm bất ổn. Theo Fortune, đề xuất chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đang trở nên phức tạp khi hoạch định theo từng quốc gia và từng mặt hàng.
Bà Monica Guerra, Trưởng bộ phận Chính sách Mỹ tại Morgan Stanley gọi đây là một "bức tranh ghép" khiến thị trường khó đoán định tác động kinh tế.
Một kịch bản “ngoài dự kiến” trong giới đầu tư là khả năng ông Trump sẽ thay thế Chủ tịch Fed hiện tại nếu tái đắc cử. Mặc dù điều này có thể mở ra một chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn - yếu tố hỗ trợ giá vàng, nhưng các ràng buộc thể chế khiến khả năng này khó thành hiện thực trong ngắn hạn.
Trong ngắn hạn, thị trường sẽ chờ đợi các phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Washington và động thái từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể ảnh hưởng gián tiếp đến giá vàng qua biến động tỷ giá.
Tuy nhiên, khi kinh tế Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và Fed vẫn kiên định lập trường hiện tại, khả năng vàng bứt phá mạnh vẫn khá mong manh. Giới đầu tư tiếp tục giữ tâm lý “chờ và quan sát”, kỳ vọng một yếu tố đủ mạnh từ chính sách tiền tệ hoặc diễn biến kinh tế vĩ mô để phá vỡ trạng thái giằng co kéo dài.
Theo Kitco News
>> Đồng USD suy yếu, vàng hưởng lợi: Cơ hội nào cho nhà đầu tư lúc này?