Ngân hàng Nhà nước vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Dự luật này nhằm luật hóa một số quy định trong Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, sau khi nghị quyết này hết hiệu lực. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung điều 198a vào sau điều 198 của Luật Các tổ chức tín dụng, quy định rõ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ.
Bộ Công an đánh giá cao hiệu quả tích cực của Nghị quyết số 42/2017/QH14 trong việc xử lý nợ xấu, nhưng cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc. Các vấn đề chính gồm quyền thu giữ tài sản bảo đảm, việc kê biên tài sản bảo đảm trong thi hành án và hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong các vụ án hình sự, những nội dung này hiện chưa được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng.
Bộ Công an đồng tình với việc luật hóa các quy định trong Nghị quyết số 42/2017/QH14 để gỡ vướng mắc cho các tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán nợ. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát, đối chiếu kỹ lượng với các luật hiện hành để đảm bảo tính đồng bộ, tránh xung đột pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất quy định về trình tự, thủ tục đặc biệt yêu cầu tòa án giải quyết trong trường hợp người giữ tài sản bảo đảm không giao lại cho tổ chức tín dụng. Việc này nhằm rút ngắn thời gian giải quyết, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án do cơ quan có thẩm quyền thực hiện, nhằm bảo đảm quyền thu giữ tài sản bảo đảm, thu hồi nợ một cách hiệu quả.
Nhìn nhận về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Lan Hương - Văn phòng Luật sư Đại Quốc Việt cho biết, đánh giá việc luật hóa Nghị quyết số 42/2014/QH14 là cần thiết để tạo ra khung pháp lý vững chắc cho xử lý nợ xấu, song cần có sự điều chỉnh hợp lý để đảm bảo công bằng giữa các bên.
Theo bà Lan Hương, Chính phủ cần xây dựng một cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm có điều kiện; cơ chế xử lý nợ phải minh bạch, công khai. Việc thu giữ tài sản bảo đảm cần được quy định chặt chẽ, có sự giám sát của cơ quan chức năng để tránh lạm dụng quyền lực từ phía ngân hàng. Bà Hương cho biết cũng cần có thêm quy định thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm trong bao lâu, không phải ngân hàng thương mại thu hồi rồi để đấy đợi giá lên mới xử lý.
>> Ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo: 'Cần làm rõ cơ sở pháp lý'