Cần đồng bộ hóa chính sách từ Nhà nước
Chia sẻ với PV Tiền Phong về hành trình từ một xưởng sản xuất nhỏ trở thành nhà sản xuất linh kiện xi lanh trục vít đứng đầu tại Việt Nam và xuất khẩu ra thế giới, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật ASG Việt Nam cho biết, phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam là hành trình đầy khổ nhọc với bất cứ doanh nghiệp nào.
Theo ông Ngọc, năm 2012, với khát vọng muốn trở thành một công ty có những sản phẩm có vị thế đứng đầu Việt Nam và vươn ra thế giới, ông chính thức bước chân sang làm chủ doanh nghiệp chuyên cung cấp linh kiện máy móc và giải pháp ngành nhựa. Tài sản ban đầu của công ty vỏn vẹn chỉ là kinh nghiệm sâu trong ngành ép nhựa cùng kiến thức nền tảng khi đi làm tại các tập đoàn lớn.
Theo ông Ngọc, trong giai đoạn đầu phát triển, thiếu phương tiện công nghệ, thiết bị và vốn luôn là những vấn đề khi công ty đặt mục tiêu vào nghiên cứu các công nghệ chế tạo ra xi lanh trục vít cho máy ép nhựa. Do là ngành khá đặc thù nên dù đã quay trở lại trường ĐH Bách Khoa hỏi các thầy giáo nhưng cũng không tìm được lối ra.
Doanh thu những năm đầu của công ty chỉ vài tỷ đồng và đối mặt nhiều khó khăn. Sau một thời gian đặt hàng sản xuất OEM từ một số nhà chế tạo từ Nhật Bản, Đài Loan, công ty xác định phải chuyển hướng sang sản xuất trực tiếp để tránh phụ thuộc nhà cung cấp, giảm giá thành do các sản phẩm với chi phí rẻ hơn nhập khẩu. Dần dần vượt qua trở ngại ở thị trường ngách, sản phẩm của công ty dần được sự tin tưởng của các khách hàng là các công ty Nhật lớn nhất ở Việt Nam.
“Tháng 5/2016, chúng tôi thành lập nhà máy gia công CNC, chế tạo theo bản vẽ đặt hàng của khách hàng, tạo tiền đề nghiên cứu chuyên sâu về xi lanh trục vít và chính thức đi vào giai đoạn sản xuất chuyên sâu. Đây là giai đoạn công ty tối ưu được chi phí, bắt đầu bước chân vào sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, áp dụng các công nghệ tiên tiến về vật liệu mới”, ông Ngọc cho hay.
Theo lãnh đạo ASG Việt Nam, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc khối công nghiệp hỗ trợ, Nhà nước cần có các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu ngành sản xuất máy cái (máy cắt gọt kim loại có độ chính xác rất cao, dùng để chế tạo các chi tiết chính xác, chủ yếu của máy công cụ) tạo ra một thị trường rất lớn của riêng Việt Nam, giúp tối ưu được công nghệ cho cả ngành sản xuất và cả thị trường.
“Việc cần tiếp theo đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là có chính sách hỗ trợ tiếp cận thuê đất đai . Hiện các khu công nghiệp thường cho thuê theo lô diện tích rất lớn, từ 10.000 m2 trở lên trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ cần diện tích từ 3.000 - 5.000m2 để phù hợp với quy mô sản xuất và kế hoạch phát triển của doanh nghiệp”, ông Ngọc đề xuất.
Ông cũng cho biết, với đặc thù của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc có các chính sách hỗ trợ lãi suất, ưu đãi đầu tư cho các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ sẽ là nền tảng để doanh nghiệp có thể có nguồn lực để nhanh chóng vươn lên.

Thiếu tài sản thế chấp, thiếu vốn đang là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân hiện nay Ảnh: Nguyễn Bằng
Đồng quan điểm, ông Lê Quý Khả, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện TOMECO cho rằng, doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất hiện không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp FDI mà còn phải thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, yêu cầu thị trường và biến động kinh tế.
Vì vậy, việc có các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, đơn giản hoá các thủ tục đăng ký đầu tư, tiếp cận chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những giải pháp tốt và cần nhất trong giai đoạn hiện nay.
“Các ngân hàng cần cải tiến quy trình thẩm định tín dụng theo hướng đơn giản, minh bạch và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Việc áp dụng mô hình thẩm định tín dụng theo rủi ro, kết hợp đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp bằng các tiêu chí linh hoạt, giảm bớt yêu cầu giấy tờ không cần thiết cũng sẽ giúp doanh nghiệp rộng cửa tiếp cận vốn vay hơn”.- Ông Nguyễn Thanh Khiết
Theo ông Khả, để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, cần kết hợp hai yếu tố đến từ sự đồng bộ hóa chính sách từ Nhà nước và đến từ sự nâng cao nội lực doanh nghiệp.
Để gỡ các nút thắt này, Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân trong việc tiếp cận vốn, đất đai và các chính sách hỗ trợ sản xuất. Cùng đó, cần đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tạo điều kiện tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bản thân doanh nghiệp cũng phải không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh doanh, mà còn cần đảm bảo phát triển theo hướng bền vững để từ đó có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế quốc gia.
Ngân hàng phải đồng hành với doanh nghiệp
Hỗ trợ doanh nghiệp lớn mạnh thông qua tạo cơ chế, bơm vốn để khi doanh nghiệp “sống khoẻ” sẽ quay lại đóng thuế, nộp ngân sách là một trong những chiến lược đồng hành với doanh nghiệp được TPHCM triển khai từ tháng 11/2024 đến nay.
Ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) cho biết, thành phố hướng tới cho vay các dự án của các các doanh nghiệp 100% vốn trong nước thực hiện trên địa bàn TPHCM và các đơn vị công lập.
HFIC sẽ cho vay với lãi suất 0% đối với số tiền 200 tỷ đồng, thời hạn vay 7 năm để doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị mới, nhà xưởng... thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, thương mại, sản xuất nông nghiệp, y tế, giáo dục, môi trường, cơ khí hóa tự động, chế biến thực phẩm, dệt may, da giày.
Cùng đó, thành phố ưu tiên hỗ trợ lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thương mại và phục vụ sản xuất nông nghiệp, giáo dục nghề nghiệp; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và môi trường. Trong đó, các lĩnh vực được ưu tiên cho vay hỗ trợ lãi suất, bao gồm cơ khí tự động hóa, cao su, nhựa, hóa dược, chế biến thực phẩm, điện tử và công nghệ thông tin, dệt may và da giày với mức hỗ trợ 50% hoặc 100%, mức vốn vay tối đa lên đến 200 tỷ đồng/dự án.
Cũng theo ông Thanh, để tháo gỡ rào cản đối với doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp, HFIC sẵn sàng chấp nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai của doanh nghiệp khi ký hợp đồng vay vốn.. Tuy nhiên, tài sản này được định giá khoảng 50% giá trị mà doanh nghiệp đã mua, từ đó quyết định số tiền cho vay.
Theo ông Nguyễn Thanh Khiết, Chủ tịch Hãng kiểm toán ASCO, một trong những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
Dù ngân hàng có các gói tín dụng cho nhiều lĩnh vực, từng phân khúc với các mức lãi suất khác nhau nhưng hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được do bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu tài sản đảm bảo, hồ sơ tài chính chưa minh bạch…
Để giải quyết nút thắt này, cần triển khai các giải pháp đồng bộ từ phía ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Ở chiều ngược lại, nếu muốn thúc đẩy vốn tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, các ngân hàng cũng cần nghiên cứu thiết kế các sản phẩm tài chính chuyên biệt như khoản vay tín chấp dựa trên dòng tiền kinh doanh, khoản vay theo hợp đồng đầu ra hoặc khoản vay dựa trên tài sản hình thành từ vốn vay.
Cùng với đó, ngân hàng cần mở rộng việc đánh giá tín dụng dựa trên dữ liệu giao dịch thực tế của doanh nghiệp thay vì chỉ tập trung vào tài sản đảm bảo hoặc khoản vay dựa trên tài sản hình thành từ vốn vay.