Người mua ô tô phản ánh bị yêu cầu chi thêm tiền để được ưu tiên nhận xe sớm, đặc biệt với các mẫu xe khan hiếm. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cảnh báo đây có thể là hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
![]() |
Đại lý ô tô thu phí ngoài giá niêm yết có thể vi phạm pháp luật. Ảnh minh hoạ |
Thời gian gần đây, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) liên tục nhận được phản ánh về tình trạng người tiêu dùng phải chi thêm các khoản phí không chính thức khi mua ô tô, nhất là đối với những dòng xe đang khan hiếm trên thị trường.
Theo Ủy ban, hiện tượng đại lý xe thu phụ phí bằng nhiều hình thức đang diễn ra phổ biến. Cụ thể, sau khi thông báo tình trạng khan hiếm, một số nhân viên bán hàng đã gợi ý khách hàng chi thêm tiền để được “ưu tiên giữ chỗ” hoặc nhận xe sớm. Một số trường hợp yêu cầu đặt cọc với danh nghĩa hỗ trợ đăng ký xe, nhưng không giải thích rõ ràng bản chất của khoản tiền này, dẫn đến việc người mua dễ nhầm tưởng là tiền đặt cọc hợp pháp.
>>Chiêu trò mới qua loa chuyển khoản: Cửa hàng, hộ kinh doanh cẩn thận mất tiền vì nghe nhầm
Đáng nói, tất cả các khoản phí phát sinh nêu trên đều được giao dịch trực tiếp giữa nhân viên bán hàng và khách hàng, không có hóa đơn, chứng từ hay xác nhận pháp lý từ phía đại lý. Điều này khiến người mua đối mặt với nhiều rủi ro nếu xảy ra tranh chấp.
Bên cạnh đó, còn xuất hiện tình trạng nhân viên đại lý gợi ý hoặc gây sức ép buộc khách hàng phải mua thêm phụ kiện, dịch vụ đi kèm như bảo hiểm xe… để được ưu tiên giao xe. Những sản phẩm, dịch vụ này thường có giá cao hơn đáng kể so với mặt bằng thị trường.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định, các hành vi nêu trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, điểm k khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm hàng hóa, dịch vụ như điều kiện để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của họ. Đồng thời, Điều 29 của luật cũng quy định các đơn vị kinh doanh có trách nhiệm cung cấp hóa đơn, chứng từ cho người tiêu dùng theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu.
Trường hợp có đủ căn cứ, các cơ quan chức năng có thể xem xét xử phạt hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định hiện hành.
Về phía người tiêu dùng, việc tự ý giao dịch với nhân viên đại lý mà không có chứng từ xác nhận tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thực tế đã ghi nhận các trường hợp nhân viên chiếm đoạt tiền hoặc cố tình kéo dài thời gian hoàn trả tiền cọc. Điều này không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch mua xe của người tiêu dùng.
Quan trọng hơn, trong những tranh chấp kiểu này, người mua thường không có đủ bằng chứng để khiếu nại hoặc khởi kiện. Trong nhiều trường hợp, đại lý cũng có thể từ chối giải quyết với lý do giao dịch không thuộc phạm vi trách nhiệm của họ.
>>Việt Nam đi trước Nhật Bản và Trung Quốc, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới nhân tạo thành công một giống cá đặc biệt