Hãng xe thể thao hạng sang Ferrari vừa vấp phải một thất bại pháp lý gây chú ý khi không thể bảo vệ thành công logo hình ngựa tung vó – biểu tượng huyền thoại của mình – trước một thương hiệu nước tăng lực có tên Wee Power đến từ Malaysia. Vụ việc xảy ra khi Ferrari cáo buộc rằng bao bì của Wee Power, với hình ảnh hai con ngựa màu đỏ đang đối mặt nhau cùng chữ cái W nổi bật, có sự tương đồng đáng kể với biểu tượng “ngựa chiến” đặc trưng của hãng xe Ý. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Malaysia đã ra phán quyết đứng về phía Wee Power, khẳng định rằng thiết kế này không vi phạm bản quyền thương hiệu của Ferrari.
Biểu tượng chú ngựa tung vó màu đen trên nền vàng đã gắn liền với Ferrari kể từ năm 1929 và được xem là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất trong ngành công nghiệp ô tô thế giới. Logo này bắt nguồn từ chiếc máy bay của phi công huyền thoại Francesco Baracca trong Thế chiến thứ nhất – người được cho là đã gợi ý cho Enzo Ferrari sử dụng biểu tượng ngựa như một biểu trưng cho sự may mắn và chiến thắng.

>> Khởi nguồn từ 2 cửa hàng, phanh phui đường dây thuốc giả 36 tỷ: Thành phần rẻ bèo nhưng ‘cộp mác’ 4.500 hộp thuốc cao cấp
Tuy nhiên, Tòa án nhận định rằng ngựa không phải là hình ảnh sở hữu độc quyền của Ferrari, khi nhiều thương hiệu khác như Porsche hay Ford Mustang cũng sử dụng hình tượng ngựa trong logo. Cụ thể, thiết kế của Wee Power thể hiện hai con ngựa đỏ quay mặt vào nhau với đường nét phóng khoáng, nằm trong bố cục hoàn toàn khác biệt so với logo một chú ngựa đơn lẻ đang tung vó của Ferrari.
Theo hồ sơ vụ kiện, Ferrari đã nỗ lực phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu do Sunrise-Mark, công ty mẹ của Wee Power, nộp tại Malaysia. Tuy nhiên, Tòa Tối cao bác bỏ yêu cầu này, đồng thời yêu cầu Ferrari phải thanh toán toàn bộ chi phí tố tụng. Dù vậy, phía Ferrari vẫn chưa từ bỏ và được cho là đã tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Tối cao Kuala Lumpur để yêu cầu xem xét lại toàn bộ vụ việc.
Phán quyết này gây bất ngờ cho giới luật sư thương hiệu quốc tế, khi một “gã khổng lồ” như Ferrari thất bại trước một doanh nghiệp nước tăng lực nhỏ hơn rất nhiều. Song, vụ việc cũng là minh chứng rõ nét cho thực tế rằng: một biểu tượng dù nổi tiếng đến đâu cũng cần chứng minh sự khác biệt rõ rệt và không thể áp đặt quyền sở hữu lên các yếu tố hình ảnh phổ biến như động vật, đặc biệt khi không có sự trùng lặp đáng kể về bố cục, phối màu hay ngữ nghĩa.
>> Theo dõi căn nhà chỉ sáng đèn lúc 4 giờ sáng, triệt phá xưởng 'hô biến' giá đỗ bằng hóa chất độc hại