Cựu Phó Giám đốc Chi nhánh ngân hàng lừa đảo 100 người chiếm đoạt 2.700 tỷ đồng: Có đồng phạm giúp sức?

TAND TP. Hà Nội vừa quyết định trả hồ sơ vụ án liên quan đến bị cáo Vũ Thị Thu Nhung – cựu Phó giám đốc chi nhánh một ngân hàng khu vực Ba Đình – để điều tra bổ sung. Lý do là vụ án có dấu hiệu đồng phạm giúp sức, thiếu chứng cứ về số tiền bị chiếm đoạt và người liên quan hưởng lợi.

Sau hơn hai ngày xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đánh giá hồ sơ vụ án chưa đầy đủ, cần xác minh thêm các tình tiết liên quan đến số tiền bị cáo chiếm đoạt, vai trò của những người liên quan và dấu hiệu đồng phạm giúp sức.

Đây là lần thứ hai Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Bị cáo Vũ Thị Thu Nhung (SN 1977) bị truy tố về hai tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cựu Phó Giám đốc Chi nhánh ngân hàng lừa đảo 100 người chiếm đoạt 2.700 tỷ đồng: Có đồng phạm giúp sức?
Bị cáo Vũ Thị Thu Nhung từng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc một ngân hàng Chi nhánh Ba Đình vào năm 2013.

Theo cáo trạng, Nhung từng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc một ngân hàng Chi nhánh Ba Đình vào năm 2013, phụ trách mảng huy động vốn từ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, từ năm 2014, do cần tiền để trả nợ và chi tiêu cá nhân, Nhung đã dựng lên hàng loạt chương trình gửi tiền ưu đãi để chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, bị cáo thông tin gian dối rằng ngân hàng có các sản phẩm gửi tiết kiệm đặc biệt như: “Chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn rút gốc linh hoạt”, “Trái phiếu ngân hàng lãi suất cao”, hay “Chứng nhận giữ hộ tiền mặt”… với lãi suất lên tới 12–32%/năm và quà tặng hấp dẫn. Khách hàng được thuyết phục chuyển tiền vào nhiều tài khoản do Nhung mở tại các ngân hàng như VietinBank, VIB, BIDV, Eximbank.

Sau khi nhận tiền, Nhung dùng máy in giả mạo các chứng từ xác nhận của ngân hàng để giao lại cho khách. Đồng thời, bị cáo còn lập Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản Việt Nam, tự xưng là đơn vị phối hợp tổ chức đấu giá tài sản nợ xấu của ngân hàng để tiếp tục huy động tiền.

Đối với mô hình đấu giá nợ xấu, Nhung quảng cáo rằng người tham gia chỉ cần gửi tiền ký quỹ trong thời gian ngắn từ 5–20 ngày vào tài khoản của công ty sẽ được chia lợi nhuận 10–14%. Các tài sản đem “đấu giá” thực chất là hình ảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Nhung chụp lại từ các khách hàng có quan hệ tín dụng với ngân hàng.

Do tin tưởng vào chức vụ của Nhung và những tài liệu giả mạo, nhiều nhà đầu tư đã chuyển tiền ký quỹ và bị chiếm đoạt. Số tiền huy động được, Nhung sử dụng để trả gốc, lãi và lợi nhuận cho người gửi trước theo mô hình đa cấp, phần còn lại chiếm đoạt cá nhân.

Từ năm 2014 đến 2022, Vũ Thị Thu Nhung đã chiếm đoạt tiền của khoảng 100 người với tổng số tiền lên đến 2.705 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo nhận định của Hội đồng xét xử, trong quá trình phạm tội, bị cáo không thể thực hiện hành vi tinh vi và kéo dài nhiều năm một mình. Có dấu hiệu cho thấy bị cáo được một số cá nhân hỗ trợ, tiếp tay trong việc lập công ty, mở tài khoản và xác nhận chứng từ giả.

Tòa yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ danh tính và vai trò của những người này, đồng thời xác định chính xác số tiền bị cáo đã chiếm đoạt và số tiền những người liên quan đã hưởng lợi từ hành vi phạm tội.

Vụ án tiếp tục được điều tra bổ sung để đảm bảo truy cứu đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị hại.

>> Hồng Dung chiếm đoạt 81 tỷ đồng của 3 ngân hàng, mở 9 công ty 'ma' dưới chức giám đốc: Tòa án chính thức xét xử