Cử nhân đổ xô đi làm công nhân vệ sinh để có được cảm giác an toàn

Theo tờ The Jakarta Post, đợt tuyển dụng công nhân vệ sinh do Cơ quan Bảo trì Cơ sở Công cộng Jakarta tổ chức đã thu hút hơn 8.000 hồ sơ chỉ trong vòng một tuần. Trong số này, khoảng 7.000 người nộp đơn ngay trong hai ngày đầu kể từ khi thông báo được công bố hôm 22/4 và con số tiếp tục tăng thêm 1.000 vào tuần kế tiếp.

Mục tiêu của đợt tuyển dụng là lấp đầy 1.100 vị trí lao công trên khắp thành phố, nơi các nhân viên sẽ chịu trách nhiệm làm sạch đường phố, công viên, kênh rạch, những khu vực công cộng quan trọng tại thủ đô. Công việc này chỉ yêu cầu ứng viên biết đọc viết cơ bản và nằm trong độ tuổi từ 18 đến 58, có hộ khẩu tại Jakarta.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất không nằm ở số lượng ứng viên, mà ở trình độ của họ: một bộ phận không nhỏ trong số đó là cử nhân đại học.

Một trong những trường hợp tiêu biểu là chị Atika Nurmalasari, 37 tuổi, cựu nhân viên văn phòng với bằng cử nhân kinh tế. Sau khi hợp đồng làm việc tại một công ty nội thất kết thúc, chị và chồng buộc phải tìm công việc khác để trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi con. Cả hai đã nộp đơn ứng tuyển làm công nhân vệ sinh với hy vọng có được thu nhập ổn định.

“Làm công nhân vệ sinh có vẻ nhẹ nhàng hơn công việc cũ mà lương cũng không thấp hơn. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi không còn nhiều lựa chọn”, Atika chia sẻ.

Cử nhân đổ xô đi làm công nhân vệ sinh để có được cảm giác an toàn
Lương công nhân vệ sinh tại Jakarta không thấp so với mặt bằng chung. Ảnh minh họa

>> Lao động cao tuổi Việt sắp có cơ hội tiếp tục cống hiến

Thực tế, mức lương của công nhân vệ sinh công cộng tại Jakarta không hề thấp so với mặt bằng chung. Mỗi người nhận khoảng 5,3 triệu Rupiah/tháng (tương đương 8,3 triệu đồng), chưa kể đến các khoản bảo hiểm y tế và phụ cấp lễ tết.

Không chỉ cử nhân, nhiều người trẻ tốt nghiệp trung học cũng xem đây là cơ hội hiếm hoi để có việc làm ổn định. Chairul Farhan, 20 tuổi, từng làm nhân viên trong một cửa hàng bánh, cho biết thu nhập bấp bênh khiến anh mong muốn được nhận vào vị trí công nhân vệ sinh thành phố.

“Nếu được tuyển dụng, tôi sẽ ký hợp đồng ba năm và mong được gia hạn. Dù công việc không sang trọng, nhưng nó cho tôi cảm giác an toàn”, Chairul nói.

Theo Bộ Lao động Indonesia, chỉ trong hai tháng đầu năm 2025, Jakarta đã ghi nhận hơn 2.650 trường hợp bị sa thải, đứng thứ ba toàn quốc, chỉ sau Riau và Trung Java. Đây là một phần nguyên nhân khiến làn sóng xin việc công cộng trở nên mạnh mẽ.

Giới chuyên gia cho rằng hiện tượng này không chỉ là hệ quả của khủng hoảng việc làm, mà còn là tín hiệu cảnh báo về sự mất cân bằng giữa đào tạo và nhu cầu nhân lực. Ông Tadjuddin Noer Effendi, chuyên gia lao động tại Đại học Gadjah Mada (Yogyakarta), nhận định nhiều người có bằng cấp nhưng không thể tìm được công việc phù hợp. Khi chính quyền cung cấp cơ hội làm việc ổn định, dù không đúng chuyên môn, họ vẫn sẵn sàng nắm lấy.

Tính đến tháng 8/2024, Jakarta có tỷ lệ thất nghiệp cao thứ sáu cả nước, và con số này có xu hướng tăng. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và sự dịch chuyển lao động, áp lực lên thị trường việc làm ngày càng rõ rệt.

>> Tin vui: Đề xuất xếp lương giáo viên ngang hàng giáo sư, cập nhật bảng lương mới nhất năm 2025