Theo báo Tiền Phong, đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết trong sáng 18/4: Kết quả xét nghiệm bước đầu cho thấy, một số sản phẩm thuốc đông dược giả được quảng cáo là điều trị các bệnh về xương khớp – có chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, thành phần không được phép sử dụng trong y học cổ truyền.
Trong khi đó, nhóm thuốc tân dược giả tuy không phát hiện chất độc hại, nhưng hoàn toàn không có hoạt chất kháng sinh như mô tả trên bao bì.
Trước đó, ngày 17/4, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Bộ Y tế liên quan đến vụ án. Theo cơ quan này, các sản phẩm thuốc giả chưa từng xuất hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập do không có giấy tờ hợp lệ để tham gia đấu thầu. Thực tế, phần lớn số thuốc giả bị phát hiện đều được tiêu thụ thông qua các kênh bán lẻ và nền tảng trực tuyến.
>> Ngành học giữ 'ngôi vương' gần 30 điểm mới đậu, sinh viên vẫn cần bổ sung thêm các tố chất này để tăng cơ hội việc làm
Theo điều tra, trong số 21 loại sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại thuốc tân dược giả gồm: 44 hộp Tetracyclin, 40 hộp Clorocid, 49 hộp Pharcoter và 52 hộp Neo-Codion – đều được làm nhái theo các thuốc đang lưu hành trên thị trường. Còn lại là 39.323 hộp gồm 17 loại sản phẩm nghi là thuốc đông dược giả, được in nhãn mác với công dụng như thuốc điều trị.
![]() |
Công an kiểm tra lô thuốc giả. Ảnh: Tổng hợp |
Trước đó, Báo Lao động đã đưa tin, đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại chung cư Hapulico, Thanh Xuân, Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (SN 1985, trú tại quận Bình Tân, TP.HCM) cầm đầu vừa bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá.
Lực lượng công an đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 6 địa điểm tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp – nơi được sử dụng làm cơ sở sản xuất, lưu trữ và buôn bán thuốc giả. Tổng cộng, gần 10 tấn thuốc và nguyên liệu làm thuốc giả đã bị thu giữ.
Thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Thay vì làm nhái các loại thuốc có thật trên thị trường, nhóm này tự nghĩ ra tên thuốc và tên công ty sản xuất – phần lớn có trụ sở “ảo” ở nước ngoài như Malaysia, Singapore… để tạo vỏ bọc hợp pháp. Các xưởng sản xuất được bố trí ở những khu vực hẻo lánh, ngõ cụt, vắng người. Nhân công đa phần là người thân, người quen được đưa từ tỉnh khác đến, sinh hoạt khép kín tại kho xưởng nhằm tránh bị phát hiện.
Dưới lớp vỏ nhân viên dược phẩm, nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm với danh nghĩa “hàng xách tay”.
Cơ quan điều tra cho biết, để tạo niềm tin, ban đầu chúng trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường. Khi đã có tệp khách hàng ổn định, các đối tượng chỉ bán thuốc giả do chính mình sản xuất.
Khách hàng chủ yếu là các dược sĩ tự do, bán thuốc tại các chợ thuốc trên cả nước. Từ năm 2021 đến khi bị triệt phá, đường dây này đã đưa ra thị trường lượng thuốc giả lên tới gần 200 tỷ đồng.
Hiện, vụ án đang tiếp tục được điều tra, mở rộng.
>> Cựu CEO Google chỉ thẳng ‘số phận’ của nghề lập trình viên, phụ huynh tham khảo để định hướng nghề nghiệp cho con