Kết phiên 30/12, giá cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) ở mức 26.650 đồng/cổ phiếu, tăng trần 6,81% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt gần 10,6 triệu đơn vị.
Đây là mức giá cao nhất lịch sử niêm yết của ngân hàng này. Hiện, vốn hóa thị trường của HDBank đã tăng mạnh lên mức hơn 93.143 tỷ đồng.
Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của HDB, từ ngày 25/12 đến nay, cổ phiếu HDB đã tăng 14%. So với hồi đầu năm, thị giá cổ phiếu HDB đã tăng hơn 77%.
Giá cổ phiếu tăng, tài sản chứng khoán của các cổ đông HDB cũng tăng theo. Theo đó, số cổ phiếu HDB tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu có giá trị gần 3.485 tỷ đồng, đã tăng thêm hơn 222 tỷ đồng trong ngày hôm nay.
Ngoài ra, CTCP Sovico cũng đang sở hữu hơn 501 triệu cổ phiếu HDB.
Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận trước thuế quý 3 của HDBank đạt 4.490 tỷ, tăng 42,7% so với quý 3/2023 và lũy kế 9 tháng 12.655 tỷ đồng, tăng 46,6% và hoàn thành 79,8% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Bên cạnh đó, cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan cũng đã tăng 10,78% trong ngày giao dịch hôm nay, đóng cửa ở mức giá 260.000 đồng/cp. Đây là phiên tăng thứ 7 liên tiếp của MCH, đồng thời thiết lập mức đỉnh lịch sử mới. Trong 7 phiên gần nhất, cổ phiếu MCH đã tăng 18%.
Nếu tính từ vùng giá 75.000 đồng hồi đầu năm, cổ phiếu MCH đã tăng tới 245% giá trị.
Nhờ đó, vốn hóa thị trường Masan Consumer lần đầu tiên chạm mốc hơn 188.400 tỷ đồng (khoảng 7,4 tỷ USD), vượt xa CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (132.000 tỷ đồng), trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán Việt.
Masan Consumer là công ty con của CTCP Tập đoàn Masan. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT của Masan đã ví Masan Consumer như viên kim cương gia bảo của Masan.
Ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu 30.417 cổ phiếu MCH, có giá trị hơn 7,9 tỷ đồng
Thực tế, cổ phiếu “nhà” Masan đã "rục rịch" tăng giá từ đầu tháng 11. Thị giá nhanh chóng tăng tích cực sau thông tin chia cổ tức cao chót vót. Phiên 30/12 hôm nay cũng là ngày gần 7.000 tỷ đồng cổ tức năm 2024 “chảy” vào túi cổ đông. Trước đó, Masan Consumer đã chốt danh sách trả cổ tức đợt này vào ngày 20/12 và thực hiện chi trả chỉ sau 10 ngày.
Cả năm 2023, Masan Consumer đã chi khoảng 19.000 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ “khủng” 268%.
Động thái dốc hầu bao chia cổ tức diễn ra trong bối cảnh Masan Consumer đang có kế hoạch niêm yết. Cụ thể, đầu tháng 10/2024, HĐQT công ty đã chốt thời điểm “chuyển nhà” từ UPCoM sang HoSE trong năm 2025.
Ngoài ra, Masan Consumer còn có kế hoạch chào bán 326,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 100:45,1 (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu có quyền mua thêm 451 cổ phiếu mới). Giá bán sẽ là 10.000 đồng/cp. Tổng số tiền thu được dự kiến là 3.268 tỷ đồng, được công ty dành phần lớn để trả nợ. Vốn điều lệ của Masan Consumers sẽ dự kiến tăng lên mức 10.623 tỷ đồng.
Thêm vào đó, động lực tăng trưởng của cổ phiếu còn đến từ kết quả kinh doanh quý 3/2024 khởi sắc. Cụ thể, Masan Consumer ghi nhận doanh thu thuần 7.987 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, công ty lãi sau thuế hơn 2.094 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.072 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, Masan Consumer ghi nhận doanh thu thuần đạt 21.955 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.553 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 14% so với cùng kỳ năm ngoái.