Có nên mua vàng đón 'sóng' ngày vía Thần Tài?

Nhiều phiên gần đây, giá vàng trong nước có xu hướng tăng theo thế giới, nhiều người vì thế tính việc mua để đợi đến ngày vía Thần Tài sẽ bán ra hưởng chênh lệch.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư về việc này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trào lưu mua vàng và vật phẩm vàng nhân ngày vía Thần Tài xuất phát từ người kinh doanh với tâm thế cầu mong may mắn. Trước nhu cầu lớn, giá vàng thường tăng mạnh, thậm chí nhiều nơi còn đẩy giá lên cao đột biến so với giá trị thực. Nhưng sau đó giá vàng sẽ nhanh chóng giảm.

“Ngày vía Thần Tài, giá vàng tăng cao sẽ tạo cơ hội cho người kinh doanh vàng thu lợi nhuận. Sau ngày vía Thần Tài, người mua chịu thiệt thòi bởi giá vàng có xu hướng giảm mạnh. Vì vậy, người dân nên cân nhắc việc có nên mua vàng đón sóng vía Thần Tài hay không vì nếu không kịp bán đúng ngày thì giá có thể rớt mạnh ”, ông Thịnh nói.

Chưa kể, vào ngày vía Thần Tài, chênh lệch giữa giá mua - bán thường bị nới rất xa, đẩy rủi ro về phía người mua. Vì thế, nếu mua ở thời điểm này với giá cao thì chưa chắc cũng bán được giá cao vào ngày vía Thần Tài.

"Do vậy, việc đầu tư vàng hiện nay cần xem xét kỹ vì rủi ro đang cao. Khi giá vàng thế giới điều chỉnh, giá vàng trong nước cũng sẽ giảm theo. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện khoảng 4-5 triệu đồng nên áp lực giảm theo khi vàng thế giới lao dốc là hợp lý. Chưa kể, giá vàng nhẫn tăng nóng khi nhà đầu tư sốt ruột muốn mua vào chờ giá tăng tiếp, vô hình chung tạo giá ảo và rủi ro ", ông Thịnh khuyến cáo.

Có nên mua vàng đón 'sóng' ngày vía Thần Tài?- Ảnh 1.

Nhiều người đang tính việc mua vàng để đợi đến ngày vía Thần Tài bán ra hưởng chênh lệch. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)

Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Thế Hùng, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích, giá vàng ngày Vía Thần tài thường cao, diễn biến tăng giảm thất thường nên người dân chỉ nên mua số lượng nhất định để lấy may. Đây cũng không phải thời điểm "lướt sóng" vì để đầu tư, tích lũy tài sản thì nên chọn thời điểm vàng xuống thấp để mua vào và tính toán thị trường để bán ra khi giá tăng.

Hơn nữa, trong ngày giá vàng diễn biến thất thường, để đảm bảo an toàn, các cửa hàng thường nới rộng khoảng cách giữa giá mua - bán, đẩy rủi ro về phía khách hàng. Vì thế rất có thể khách sẽ phải mua với giá cao, trong khi bán ra lại thấp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Nguyễn Trãi cũng cho biết, ngày vía Thần Tài là thời điểm thị trường vàng Việt Nam thường có biến động mạnh do nhu cầu mua vàng tăng cao, đặc biệt từ các cá nhân và doanh nghiệp với niềm tin rằng sở hữu vàng vào ngày này sẽ mang lại may mắn, tài lộc.

Chính vì vậy, giá vàng thường tăng mạnh vài ngày trước ngày vía Thần Tài nhưng sau đó có xu hướng giảm ngay khi nhu cầu mua lắng xuống.

"Nếu mua sớm khoảng 5-7 ngày trước ngày vía Thần Tài, bạn có thể tận dụng xu hướng tăng giá do nhu cầu cao. Hơn nữa, vàng vẫn là tài sản trú ẩn an toàn trong dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát vẫn là mối lo ngại ", ông Huy nêu ý kiến và tư vấn người mua nên chọn các sản phẩm vàng nhẫn trơn 24K hoặc vàng trang sức có giá gần với giá vàng nguyên liệu để giảm chênh lệch mua-bán.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên thận trọng vì sau ngày này, giá vàng thường điều chỉnh giảm, đặc biệt khi nhu cầu thị trường hạ nhiệt. Hơn nữa, chênh lệch giá mua - bán vàng SJC có thể rất lớn, thường 500.000 - 1.000.000 đồng/lượng, điều này sẽ làm giảm lợi nhuận kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, nếu giá vàng quốc tế điều chỉnh giảm đột ngột, giá trong nước có thể giảm theo, dù độ co giãn thấp hơn.

"Tôi cho rằng, chỉ nên mua vàng bây giờ nếu đã có chiến lược thoát hàng ngay trong hoặc sau ngày vía Thần Tài. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ rủi ro giá giảm sau đó. Còn nếu đầu tư dài hạn cần cân nhắc các yếu tố quốc tế, chính sách tiền tệ và chỉ mua khi giá có điều chỉnh hợp lý. Hiện tại, giá vàng trong nước đang chênh lệch cao, nên cần tránh “đu" đỉnh ”, ông Huy đưa ra lời khuyên.