Chứng khoán mất hơn 75 điểm, gần 300 cổ phiếu giảm sàn sau kỳ nghỉ lễ

Theo chuyên gia, thị trường chứng khoán sẽ khó có nhịp phục hồi nhanh chóng. Ngoài dư âm của thuế đối ứng, vẫn còn một số yếu tố rủi ro có thể tác động trong ngắn hạn.

Sau kỳ nghỉ lễ, tâm lý bị quan tiếp tục bao trùm thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngay từ khi mở cửa, VN-Index đã "bốc hơi" hơn 60 điểm và chỉ số nới đà giảm lên gần 76 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Chưa hết phiên sáng mà thị trường đã có tới 452 mã giảm điểm và 300 mã nằm sàn. Sắc xanh lơ xuất hiện trên diện rộng, tập trung nhiều ở nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản, công nghệ, thép.

Thậm chí rổ VN30 còn mất tới gần 83 điểm, với 17 mã giảm kịch sàn như FPT, CTG, MBB, HPG, MWG, TCB, SHB, VHM, VCB, VRE, VPB. Trong rổ có duy nhất SAB ngược chiều tăng nhẹ 0,35%.

Chứng khoán mất hơn 75 điểm, gần 300 cổ phiếu giảm sàn sau kỳ nghỉ lễ- Ảnh 1.

Sắc xanh lơ xuất hiện trên diện rộng.

Xét về nhóm ngành, cổ phiếu thép thép bị bán mạnh nhất sau thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá lên đến 88,12%.

Ông lớn HPG nằm sàn với hơn 30 triệu cổ phiếu được sang tay chỉ trong hơn 1 giờ giao dịch, mã này cũng đang dư bán gần 16 triệu đơn vị. Các mã HSG, NKG, TLH, TVN, VGS, SMC, VPG cũng giảm kịch sàn.

Mất hơn 100 điểm, liệu chứng khoán có cửa để “quay xe”?Mất hơn 100 điểm, liệu chứng khoán có cửa để “quay xe”?ĐỌC NGAY

Theo dự báo từ chuyên gia của Chứng khoán MBS cho biết, thị trường sẽ khó có nhịp phục hồi nhanh chóng. Ngoài dư âm của thuế đối ứng, vẫn còn một số yếu tố rủi ro có thể tác động đến thị trường trong ngắn hạn.

Về yếu tố mùa vụ, tháng 4 – tháng 5 cũng đồng thời là thời điểm "vùng trống thông tin", không có thông tin tích cực hỗ trợ, vì vậy diễn biến thị trường thế giới sẽ tác động đến chỉ số VN-Index lớn hơn.

Ở bối cảnh trong nước, tỉ giá vẫn là rủi ro lớn nhất, gây áp lực lên thị trường trong suốt nửa đầu năm. Sau thông tin thuế đối ứng tỉ giá USD/VND liên ngân hàng bật tăng lên mức gần 25.800 (tăng 1,3% so với đầu năm, tỉ giá tự do cũng áp sát ngưỡng 26.000, cao nhất từ đầu năm đến nay.

Với quan điểm thuế suất cuối cùng được áp dụng cho Việt Nam khó về mức thấp như kỳ vọng, MBS hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt từ mức 18 - 19% xuống còn 16 - 16,5% cho giai đoạn 2025 – 2026.

Công ty chứng khoán này cho rằng, nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái vẫn là các yếu tố đảm bảo cho sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index trong năm 2025.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi của FTSE trong năm 2025 cũng như MSCI trong năm 2026.

Đồng thời, MBS cho rằng thị trường điều chỉnh là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu đầu ngành, ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng với mức định giá hấp dẫn.

Với nhận định nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tăng trưởng tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp, các nhóm ngành như bất động sản dân cư, ngân hàng, điện, xây dựng hạ tầng, dầu khí thượng nguồn sẽ ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng.