CTCP Chứng khoán FPT (FPTS - Mã: FTS) vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua hạn mức vay vốn tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Theo đó, công ty được cấp hạn mức vay vốn ngắn hạn là 2.000 tỷ đồng.
Khoản vay này nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động chi trả chi phí vận hành, đầu tư mua trái phiếu Chính phủ (TPCP), hoàn vốn các giao dịch mua/đầu tư TPCP, đầu tư trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành và bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ.
Thời hạn hiệu lực của hạn mức đến hết ngày 11/5/2026; thời hạn vay không quá 6 tháng mỗi khế ước nhận nợ.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay vốn là trái phiếu Chính phủ, hợp đồng tiền gửi, hay giấy tờ có giá thuộc sở hữu của FPTS.
Trước đó, tháng 4/2025, HĐQT FPTS cũng thông qua kế hoạch vay vốn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với tổng hạn mức vay vốn ngắn hạn là 1.200 tỷ đồng. Mục đích vay vốn nhằm đầu tư kinh doanh công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; đầu tư kinh doanh cổ phiếu, bổ sung vốn lưu động phục vụ phương án kinh doanh phù hợp.
Trong tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên 2025, FPTS đặt mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, giảm lần lượt 0,6% và 2,47% so với năm trước.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu hoạt động trong quý 1/2025 của FPTS đạt 312 tỷ đồng, tăng 4,34% so với quý 1/2024. Trong đó, lãi cho vay và phải thu tăng 34,3% lên 173,8 tỷ đồng, trong khi doanh thu môi giới chứng khoán giảm 50,25% về còn 37,5 tỷ đồng.
Trừ đi chi phí, công ty lãi trước thuế 173 tỷ đồng, giảm 9,4% so với quý cùng kỳ năm 2024, hoàn thành tương ứng 34,6% kế hoạch lợi nhuận năm 2025.
Tính đến cuối quý I/2025, tổng nợ phải trả của FPTS đạt 6.434 tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm 94,6% cơ cấu nợ của FPTS là 6.088 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính, bao gồm 1.000 tỷ đồng tại VIB, 400 tỷ đồng tại Techcombank, 750 tỷ đồng tại VietinBank, 800 tỷ đồng tại MSB, 800 tỷ đồng tại VPBank, 500 tỷ đồng tại ACB…
>> Chứng khoán FPT muốn vay VIB tối đa 1.750 tỷ đồng để tự doanh, cho vay margin