Chủ tịch Bùi Thị Thanh Hương: Thu nhập bình quân của nhân sự NCB đã leo lên thứ 12-13 thị trường

Bà Bùi Thị Thanh Hương cho biết, đảm bảo hết 2026, đến 2027 chất lượng nhân sự NCB sẽ tiệm cận các ngân hàng có quy mô lớn và hiệu quả cao trên thị trường.
Chủ tịch Bùi Thị Thanh Hương: Thu nhập bình quân của nhân sự NCB đã leo lên thứ 12-13 thị trường- Ảnh 1.

Ngày 29/3 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc Dân đã họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Tại đây, ban lãnh đạo ngân hàng đã nhận được câu hỏi về việc tại sao chi phí trả lãi cao, dự thu thấp mà chi phí quản lý lại tăng cao, đặc biệt là chi phí trả lương cho người lao động.

Lý giải vấn đề này, bà Bùi Thị Thanh Hương, Chủ tịch NCB cho biết, tại thời điểm 2021 về trước, NCB có 90 điểm giao dịch, trong đó có 24 chi nhánh, còn lại là PGD và 1 hội sở chính, nhân sự khoảng 2.100 người. Tuy nhiên, đến 2021, sau khi có bộ máy quản trị điều hành mới, NCB nhận thấy xu hướng ngân hàng trong thời gian tới các điểm giao dịch vật lý không còn là cốt lõi để xác định một tổ chức tín dụng kinh doanh thành công hay không, nên NCB đã trình Ngân hàng Nhà nước đóng bớt các điểm giao dịch, với con số đóng lũy kế đến giờ này là 25 điểm, bao gồm 23 PGD và 2 chi nhánh.

Số lượng nhân sự thời gian đầu giảm từ 2.100 xuống 1.800, nhưng sau đó theo nhu cầu phát triển của ngân hàng bình quân từ 22 đến 30%/năm tùy theo chỉ tiêu, thì NCB đã rà soát lại và đầu tư trở lại cho ngân hàng một cách tổng thể, bao gồm bộ nhận diện thương hiệu, bộ mặt mới cho các điểm giao dịch và đặc biệt là đầu tư công nghệ và chuyển đổi số.

"Tại thời điểm đầu tư, thì rất đắt đỏ, nhưng chắc chắn khi đến điểm hòa vốn sẽ mang lại hoa thơm, trái ngọt cho ngân hàng. Chúng tôi tính toán chiến lược chuyển đổi số công nghệ của ngân hàng; muộn nhất 2027 sẽ có điểm hòa vốn, sau đó sẽ đóng góp quan trọng vào TOI của ngân hàng", bà Thanh Hương nói.

Theo Chủ tịch NCB, sau khi tái cấu trúc mạng lưới, NCB đã tiến hành tái cấu trúc đội ngũ nhân sự, chiêu mộ, tuyển dụng nhân sự có năng lực tốt trên thị trường. Bà Hương cho rằng, nếu nhân sự có năng lực tốt thì chế độ đãi ngộ phải cạnh tranh so với thị trường, thì nhân sự mới về với mình, đây là nguyên lý rất thông thường và tất yếu. Thu nhập bình quân đầu người của NCB đã leo từ thứ 25 thị trường tại năm 2021 lên thứ 12-13 thị trường năm 2024. Đây là lý do giúp NCB đảm bảo được năng suất lao động của cán bộ nhân viên cạnh tranh so với thị trường.

"Khi chúng tôi thuê đối tác tư vấn hàng đầu thế giới để tư vấn khung thu nhập và chiến lược nhân sự cho NCB, chúng tôi mạnh dạn lựa chọn các ngân hàng trong rổ đánh giá là các ngân hàng hàng đầu thị trường về hiệu quả kinh doanh và chế độ đãi ngộ như Techcombank, MB, VPBank, ACB, và chúng tôi cam kết năng suất cán bộ nhân viên NCB tốt hơn mỗi ngày, đảm bảo hết 2026, đến 2027 sẽ tiệm cận các ngân hàng có quy mô lớn và hiệu quả cao trên thị trường. Giai đoạn này NCB đang cố gắng chiêu mộ nhân sự, áp KPI, đánh giá để giữ nhân sự tốt theo từng thời kỳ", Chủ tịch NCB chia sẻ.

Ngoài ra, chi phí về truyền thông thương hiệu, chi phí về mạng lưới cũng là một trong những yếu tố làm chi phí quản lý tăng. Tuy nhiên, theo bà Hương, chi phí quản lý của NCB tăng rất hợp lý so với tốc độ tăng doanh thu ngân hàng, cụ thể là tăng về TOI. Chỉ số CIR (Cost/Income Ratio) của NCB đã giảm từ 60% xuống chỉ còn 40% năm 2024, và kế hoạch năm nay sẽ chỉ còn 38-40%. Đây là chỉ số khá cạnh tranh so với các ngân hàng quy mô tầm như NCB.

"Cổ động yên tâm là chi phí quản lý tăng thấp hơn tốc độ tăng doanh thu, để đảm bảo lợi nhuận năm nay 59 tỷ đồng, nghĩa là chúng ta đi được trên đôi chân của chính mình hoàn toàn, kể cả sau khi trích lập các khoản nợ dự phòng có vấn đề", bà Thanh Hương nhận định.

Theo số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất 2024 của NCB, ngân hàng tại thời điểm cuối năm có 2.085 nhân viên, và số nhân viên bình quân là 2.029. Tiền lương bình quân là 29,49 triệu đồng/tháng và thu nhập bình quân là 30,97 triệu đồng/tháng, tăng tương ứng 24,4% và 30,4% so với năm 2023. Tổng quỹ lương năm 2024 là 718 tỷ đồng trong khi năm 2023 là 584 tỷ đồng.