Chỉ mất 6 tháng, cà phê Việt đã làm được điều chưa từng có

Những ngày này, giá cà phê tại cả thị trường nội địa và quốc tế cùng giảm mạnh. Ngày 30/6, giá cà phê nhân tại thị trường nội địa ở mức 94.500 đồng/kg. Trước đó vài ngày, giá cà phê giảm từ 135.400 đồng/kg xuống còn 90.800 đồng/kg - mức thấp nhất trong vòng một năm lại đây.

Trên thị trường thế giới, tính từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 6, giá cà phê Robusta trên sàn trực tuyến, hợp đồng giao kỳ hạn tháng 7/2025, đã giảm 30,9% (1.637 USD/tấn), xuống còn 3.661 USD/tấn; hợp đồng giao kỳ hạn tháng 9 giảm 31,6% (1.658 USD/tấn), chốt ở mức 3.593 USD/tấn.

Dù giá giảm mạnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê vẫn lập kỷ lục, theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, thế mạnh này của nước ta mang về 5,5 tỷ USD.

W-ca phe.jpgNgười nông dân vừa kết thúc thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Ảnh: Nguyễn Huế

Đáng chú ý, kim ngạch 6 tháng đầu năm đã chạm mốc 5,5 tỷ USD - bằng với mục tiêu cả năm 2025.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, sản lượng cà phê lớn nhất tập trung vào vụ thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Vì vậy, xuất khẩu những tháng cuối năm có thể không cao như nửa đầu năm. Kim ngạch xuất khẩu cà phê có khả năng đạt 7,5 tỷ USD trong năm 2025, tăng 36,9% so với năm 2024.

Để đạt được mục tiêu này, Mỹ vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, một số đối tác thương mại tại Mỹ đang có xu hướng tìm nguồn cung thay thế, tạo áp lực cạnh tranh cho cà phê Việt Nam.

Hiện Mỹ là thị trường trọng điểm xuất khẩu cà phê đặc sản phân khúc cao cấp, sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng và cà phê hòa tan. Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu cà phê đang giảm do các tác động của biến đổi khí hậu, giá cà phê thế giới cao, nhu cầu tiêu thụ lớn.

Do đó, cà phê Việt Nam vẫn có thể ứng phó để duy trì thị phần tại Mỹ, đẩy mạnh phân khúc cà phê Robusta.

Tương tự, EU đang tìm cách mở ra các cơ hội hợp tác tại châu Á, Trung Đông. Vì vậy, cà phê Việt Nam có thể chuyển hướng sang các thị trường khác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan...

Với thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), về lâu dài, ngành cà phê có thể chuyển hướng tập trung vào khu vực này. Đây là những thị trường tiêu thụ mạnh cà phê Robusta Việt Nam, giúp giảm tác động nếu như bị mất một phần thị phần tại Mỹ.

>> Lý do giá cà phê lao dốc