Giai đoạn mới của bất động sản đã bắt đầu?
Ngay “ngưỡng cửa” vận hành mô hình chính quyền TP.HCM mới với diện tích tự nhiên 6.772,6 km2 và quy mô dân số 13.608.800 người, nhiều người ngầm hiểu rằng, đây không chỉ là sự thay đổi về mặt hành chính, mà còn mở ra một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới. Ở đó, động lực về kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản sẽ được phát huy mạnh mẽ nhất.
Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, sau sáp nhập, những lợi thế riêng biệt của từng địa phương được tích hợp lại, bổ trợ và bù đắp cho nhau. Từ đó triệt tiêu các điểm yếu và cộng hưởng các thế mạnh. Những điểm mạnh từ mỗi địa phương khi được kết nối và hỗ trợ lẫn nhau sẽ tạo thành lực đẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, việc sáp nhập sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển hạ tầng, không chỉ để kết nối các địa phương, mà còn để tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển lâu dài. Đây chính là cơ hội lớn để xây dựng một vùng phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững hơn trong tương lai. Việc sáp nhập TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT), không chỉ tạo nên một không gian phát triển mở rộng, mà còn hình thành một hệ sinh thái kinh tế - xã hội với sự tương hỗ rõ rệt giữa các địa phương.
Theo ông Đính, Bình Dương hiện là trung tâm công nghiệp lớn, nhưng lại đang thiếu hụt các hệ thống dịch vụ tài chính, logistics và nguồn lao động chất lượng cao. Trong khi đó, TP.HCM có đầy đủ các yếu tố đó: hệ thống cảng biển, tài chính, logistics phát triển, cùng nguồn nhân lực chất lượng và nền tảng dịch vụ mạnh. “Khi được kết nối chặt chẽ, Bình Dương có thể tận dụng ngay các lợi thế từ TP.HCM. Ngược lại, TP.HCM có thể mở rộng không gian phát triển ra các khu vực có quỹ đất lớn hơn như Bình Dương”, ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, để hệ sinh thái này vận hành hiệu quả, điều kiện tiên quyết là đầu tư mạnh vào hạ tầng kết nối liên vùng. Khi giao thông, logistics và các điểm cực phát triển được liên kết thuận tiện, nhanh chóng, sẽ kích thích mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản, dịch vụ và công nghiệp phụ trợ. “Theo nguyên lý chung, ở đâu có sự đầu tư mạnh vào hạ tầng và hình thành các cực tăng trưởng kinh tế đô thị thì bất động sản ở khu vực đó sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn”, ông Nguyễn Văn Đính nói.

Hậu sáp nhập sẽ mở ra giai đoạn phát triển hoàn toàn mới cho kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản các khu vực.
Cùng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam nhấn mạnh, sau sáp nhập, TP.HCM mới trở thành siêu đô thị với vai trò động lực phát triển mạnh mẽ. Trong đó, TP.HCM là trung tâm tài chính, dịch vụ và đổi mới sáng tạo. Bình Dương sẽ đóng vai trò là động lực phát triển công nghiệp hiện đại và Bà Rịa – Vũng Tàu là cửa ngõ Logistics quốc tế và phát triển du lịch biển. Một giai đoạn mới của phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản các khu vực chính thức được mở ra, kì vọng những thay đổi lớn trong thời gian tới.
“Theo tôi, ngay giai đoạn hậu sáp nhập, cần ưu tiên kết nối giao thông đồng bộ liên kết vùng. Đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm như tuyến metro TP.HCM - Bình Dương, Quốc lộ 13, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường ven biển Cần Giờ - Vũng Tàu... Bên cạnh đó cần phải xây dựng đường sắt chuyên vận chuyển container từ các khu công nghiệp Bình Dương đến cảng biển Bà Rịa Vũng Tàu để tối ưu hóa logistics. Ngoài ra, để phục vụ cho việc giãn dân và giảm áp lực cho khu vực trung tâm TP.HCM cần phải phát triển giao thông công cộng, mở rộng các tuyến metro, xe buýt liên vùng, buýt đường thủy và áp dụng thêm mô hình TOD cho các trạm dừng quan trọng”, ông Tuấn chia sẻ.
Người mua nhà “ngóng” vào thị trường sớm
Thời gian qua, thị trường bất động sản đã chứng kiến tâm lý “tất bật” tìm chốn an cư của người mua nhà. Thực tế, tâm lý tranh thủ vào thị trường sớm đã xuất hiện từ cuối năm 2024 khi các thông tin về bảng giá đất mới, hạ tầng, sáp nhập... liên tục xuất hiện trở thành động lực cho thị trường bất động sản. Đến đầu năm 2025, các thông tin quy hoạch dần hiện hữu khiến tâm lý của người mua trở nên vững bền trước các quyết định an cư, đầu tư.
Đó là lý do gần đây, hầu hết các dự án căn hộ giới thiệu ra thị trường phía Nam ghi nhận sức cầu tích cực. Đặc biệt, các dự án có vị trí cận kề TP.HCM, gần các tuyến hạ tầng giao thông trọng điểm đang được đầu tư, sức hút khá tốt.
Chẳng hạn, mới đây dự án La Pura được phát triển bởi Phát Đạt tại trung tâm Đông Bắc TP.HCM ghi nhận tỉ lệ tiêu thụ 95% giỏ hàng đợt 1. Với mức giá hợp lý, gần các tuyến hạ tầng trọng điểm, di chuyển thuận lợi vào khu vực quận 1 và khu Hàng Xanh.... là lý do dự án tạo sức hút. Hay, một số dự án như TT AVIO, The Felix, Phú Đông Sky Garden... liên tục ghi nhận kết quả giao dịch khả quan trong các giai đoạn giới thiệu ra thị trường. Quyết định sáp nhập địa giới hành chính TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu đang và sẽ tạo ra một cuộc dịch chuyển lớn.
Trong đó, nhu cầu sôi động ở nhóm khách hàng trẻ, gia đình trẻ tìm kiếm căn nhà đầu tiên, và nhóm đầu tư nhìn thấy rõ cơ hội dài hạn ở “siêu đô thị” TP.HCM mới với các kế hoạch đầu tư kết nối hạ tầng mạnh mẽ trong tương lai.

Người mua nhà hiểu rằng, tranh thủ vào thị trường sớm sẽ làm tăng cơ hội sở hữu nhà cũng như gia tăng biên lợi nhuận đầu tư. Ảnh:Minh hoạ
Có thể thấy, không chỉ vì sợ bỏ lỡ cơ hội với nguồn cung bất động sản giá hợp lý, mà ngay ở giai đoạn đầu vận hành chính quyền TP.HCM mới, người mua nhà hiểu rằng, đây là giai đoạn phù hợp nhất để đưa ra quyết định an cư hoặc đầu tư tại một “siêu đô thị” đang vươn mình đi lên. Việc tận dụng thời điểm tốt để vào thị trường sẽ làm tăng cơ hội sở hữu nhà cũng như gia tăng biên lợi nhuận đầu tư ở một giai đoạn được xem là “bước ngoặt” mới. Với tâm thế “đi trước đón đầu” và xác định mục tiêu trung – dài hạn đang trở thành cơ hội “đáng giá” cho nhà đầu tư ở giai đoạn này.
Trong chia sẻ mới đây, ông Trần Khánh Quang, một người có nhiều năm kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản cho biết, sau sáp nhập, căn hộ cận kề TP.HCM sẽ tạo ra cuộc chơi mới cho thị trường bất động sản. Câu chuyện sáp nhập không chỉ dừng lại ở việc người mua tìm đến vùng ven vì giá tốt mà còn là sự thay đổi trong tư duy sở hữu của người mua nhà.
“Việc sáp nhập tạo ra những điểm dân cư mới cùng làn sóng di dân mạnh mẽ. Trong đó, sự kết hợp giữa động lực tăng trưởng nội tại và “cú hích” từ thông tin quy hoạch sẽ định hình lại giá trị bất động sản. Sức hút của phân khúc căn hộ trong thời gian qua là minh chứng rõ nét để loại hình này tạo ra cuộc chơi mới về giá trị trong giai đoạn tới”, ông Quang nhấn mạnh.

Mặt bằng giá bất động sản bị “xô đổ” qua các năm cũng khiến người mua ra quyết định nhanh với lựa chọn. Nguồn dữ liệu quý I/2025 của Avion Young.
Cùng với đó, suốt thời gian qua, bất động sản phía Nam chứng kiến mặt bằng giá căn hộ liên tục bị “xô đổ”. Đặc biệt, các dự án gần tuyến hạ tầng trọng điểm, mức độ biến động giá tăng nhanh. Theo đó, quan điểm mua căn hộ chung cư mất giá vì tăng chậm gần như không còn đúng trong bối cảnh thị trường hiện nay. Đây là lý do thúc đẩy tâm lý người mua ra quyết định nhanh với các dự án căn hộ.
Trong lúc mô hình chính quyền mới ở giai đoạn đầu vận hành, giá bất động sản chưa “bật tăng” mạnh, đây là thời điểm người mua có cơ hội khi xác định tham gia thị trường sớm. Bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành CBRE Vietnam nhấn mạnh, năm 2025 sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho một chu kì mới của thị trường nhà ở, với nguồn cung phong phú và chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn bởi cạnh tranh gia tăng từ các chủ đầu tư.
“Nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất lớn. Hạ tầng giao thông có sự thay đổi lớn hậu sáp nhập sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản TP.HCM phát triển bền vững trong tương lai”, chuyên gia CBRE nhấn mạnh.