Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Mô hình thuế của Việt Nam sẽ giống Trung Quốc, Nhật Bản

Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế triển khai tinh giản bộ máy phải hiệu quả, dứt khoát không làm hình thức, không được để khoảng trống ảnh hưởng tới việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ngày 19/12, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2025.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng biểu dương ngành thuế năm 2024 đã hoàn thành tốt rất nhiều nhiệm vụ. Trong đó, thu ngân sách cả năm lần đầu tiên đạt 1,73 triệu tỷ đồng, bằng 116% dự toán, vượt 245.587 tỷ đồng so với năm 2023, tăng trên 13,7% so với cùng kỳ.

Theo Bộ trưởng, năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước. Trong đó, việc thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ đem đến những thay đổi rất lớn trong công tác quản lý thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế khẩn trương hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng cho tổ chức bộ máy mới vận hành trơn tru sau khi sắp xếp tinh gọn đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Đồng thời, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan thuế, không được để khoảng trống ảnh hưởng tới việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Mô hình thuế của Việt Nam sẽ giống Trung Quốc, Nhật Bản- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2025.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với mô tình tổ chức mới, đồng thời kịp thời nắm bắt các vướng mắc của doanh nghiệp, người nộp thuế để giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, với Tổng cục Thuế, bộ đang trình theo mô hình 3 cấp: Thuế Nhà nước, Thuế khu vực và dưới nữa là cấp quận, huyện.

"Mô hình thuế của Việt Nam thực hiện giống các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Và quan trọng là phải tinh giảm bộ máy để đạt các mục tiêu mà Trung ương đề ra là phải hiệu lực, hiệu quả, dứt khoát không làm hình thức", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng ngành thuế cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế như hệ thống chính sách thuế còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, và sát với thực tế, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, hệ thống công nghệ thông tin của ngành thuế được đầu tư và vận hành từ nhiều năm nên cần phải nâng cấp cho phù hợp với thực tế phát triển.

Ngoài ra, tình trạng nợ đọng thuế còn lớn, chây ỳ nộp thuế, trốn thuế, mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế, chuyển giá vẫn còn diễn ra làm giảm tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và tính lành mạnh của môi trường kinh doanh, nhất là các hoạt động kinh doanh liên quan đến sử dụng công nghệ đa quốc gia tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Mô hình thuế của Việt Nam sẽ giống Trung Quốc, Nhật Bản- Ảnh 2.

Các lãnh đạo tham dự hội nghị.

Đặc biệt, sự hiểu biết và ý thức chấp hành chính sách thuế của một bộ phận đối tượng người nộp thuế chưa đồng đều và sâu sắc. Nhiều trường hợp chây ì hoặc cô tình vi phạm các quy định hiện hành; chưa có sự chuyên biển rõ rệt về tính tuân thủ, tự nguyện, nâng cao trách nhiệm pháp luật về thuế và nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, năm 2025 ngành thuế sẽ huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách, chống thất thu và thu hồi nợ thuế.

Mục tiêu quan trọng là hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2025, với dự toán do Quốc hội giao là 1,71 triệu tỷ đồng; trong đó, thu dầu thô dự kiến đạt 53.200 tỷ đồng và thu nội địa đạt 1,66 triệu tỷ đồng; phấn đấu để tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn.

Ngành thuế cũng đặt trọng tâm vào việc đổi mới và đa dạng hóa các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn sẽ được tăng cường để nâng cao hiệu quả hỗ trợ, giúp người nộp thuế dễ dàng tiếp cận thông tin và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Xoá bỏ vướng mắc để người nộp thuế “vượt khó”

Để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, ngành thuế coi cải cách, chuyển đổi số là nhiệm vụ sống còn. Ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và máy học vào quản lý thuế sẽ được đẩy mạnh, nhằm nâng cao hiệu quả, minh bạch và tiện ích cho người nộp thuế.

Cùng với đó, hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ được đẩy mạnh với cam kết hoàn thuế đúng đối tượng, đúng quy định, tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngành thuế cũng theo dõi sát tình hình thực tế để kịp thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế. Mục tiêu là xây dựng một hệ thống thuế hiện đại, đồng bộ, có tính bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống này không chỉ huy động hiệu quả nguồn lực cho ngân sách Nhà nước, mà còn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư, cạnh tranh và đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập.

Ngoài ra, ngành Thuế sẽ tăng cường quản lý các nguồn thu và sắc thuế, tổ chức thu đúng, thu đủ và đấu tranh quyết liệt với các hành vi gian lận, trốn thuế.