Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Theo Bộ Tài chính, để khắc phục các tồn tại, bất cập của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2002, Luật NSNN năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017.
Tuy nhiên, trong hơn 8 năm tổ chức thực hiện, những tác động khách quan làm thay đổi cơ cấu thu, ngân sách trung ương vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng có xu hướng giảm, trong khi yêu cầu đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa tính chủ động của ngân sách địa phương (NSĐP); công tác xây dựng, tổng hợp dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương, chấp hành, quyết toán NSNN cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập.
Vì vậy, Luật NSNN cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
![]() |
Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước |
Sửa đổi quy định về nguyên tắc cân đối NSNN
Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương.
Luật hiện hành quy định phân theo 3 nhóm địa phương, mỗi nhóm địa phương cứ vào khả năng ngân sách của từng địa phương và tỷ lệ thu NSĐP được hưởng theo phân cấp so với chi thường xuyên.
Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm và nâng mức dư nợ vay.
Cụ thể, nhóm các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ NSTW, mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp. Nhóm các địa phương nhận bổ sung cân đối từ NSTW, mức dư nợ vay không vượt quá 80% số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp.
Bộ Tài chính cho biết, cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung được Bộ đưa ra là để đảm bảo mức dư nợ vay các địa phương đã được Quốc hội quyết định tại Luật Thủ đô và Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù.
Mặt khác, việc xác định mức dư nợ của địa phương theo tỷ lệ thu NSĐP được hưởng theo phân cấp so với chi thường xuyên sẽ thay đổi hằng năm, thậm chí sẽ có sự khác nhau khi xác định theo dự toán ngân sách đầu năm và thực hiện cuối năm, dẫn tới khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Quy định cụ thể hơn về công khai NSNN
Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng: Quy định cụ thể hơn đối tượng thực hiện công khai, nội dung công khai.
Theo đó, quy định rõ đối tượng thực hiện công khai gồm: Các cấp NSNN; các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được NSNN hỗ trợ, bổ sung thêm đối tượng công khai là các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Quy định rõ nội dung công khai cho từng đối tượng thực hiện công khai. Đồng thời, bổ sung quy định nội dung công khai kết luận của cơ quan Thanh tra và kết quả việc thực hiện kết luận thanh tra về NSNN của cơ quan Thanh tra (trừ những nội dung không được công khai theo quy định của pháp luật).
Bộ Tài chính đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung này nhằm tiếp cận các chuẩn mực quốc tế về công khai minh bạch ngân sách; giúp người dân tiếp cận, nắm bắt đầy đủ, kịp thời các thông tin về NSNN và tham gia đóng góp ý kiến, giám sát việc phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân giám sát, tiếp cận thông tin thuận lợi, hiệu quả, dự thảo đề xuất bổ sung yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan, đơn vị có Cổng thông tin điện tử phải công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
>> Chính quyền hai cấp: Thẩm quyền của cấp huyện hiện nay ai làm?