Thông tin trên được ông Lưu Đức Huy cho biết tại hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt được tổ chức ngày 22/4.
Cụ thể, theo ông Huy, cơ quan này đã đề xuất Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - cơ quan thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự luật - giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng, trong đó có bia, rượu.
Trước đó, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Cũng theo ông Huy, Chính phủ đề xuất thực hiện theo phương án tăng thuế "đỡ sốc" cho doanh nghiệp. Theo đó, rượu từ 20 độ trở lên dự kiến tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% trong 5 năm. Mức thuế tối đa với rượu dưới 20 độ là 60%, bia cũng tăng từ 65% hiện nay lên 90% trong cùng giai đoạn.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết đề xuất này đưa ra trong bối cảnh Mỹ công bố chính sách mới về thuế quan và được hoãn trong 90 ngày, nhưng dự kiến tác động mạnh tới kinh doanh và tâm lý các doanh nghiệp.
Theo một báo cáo vừa công bố của hãng nghiên cứu thị trường EMR Claight, quy mô thị trường đồ uống Việt Nam năm 2024 đạt 15,5 tỷ USD.
Năm ngoái, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam khoảng 4,4 tỷ lít (xấp xỉ năm 2023). Mức tiêu thụ nước giải khát 4,7 tỷ lít, tăng 4,8% so năm 2023, theo số liệu của Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA).
Ngành này đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 60.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt trên 40.000 tỷ đồng. Ba năm gần đây, lợi nhuận bình quân toàn ngành giảm, từ 12% trong 2021 xuống còn 10% vào 2023. Thu ngân sách giảm bình quân 10% mỗi năm.
Liên quan đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - cho rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống giúp tăng thu ngân sách ngắn hạn nhưng trong trung, dài hạn làm giảm sức cầu tiêu dùng, thu hẹp quy mô và giá trị sản xuất.
Giảm giá trị tăng thêm của nền kinh tế, giảm doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.
"Tăng thuế càng nhanh, càng cao sẽ giảm lợi ích đối với ngành càng lớn, giảm tổng cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước. Đây là hai nhân tố đóng góp đến hơn 90% cho tăng trưởng GDP 2024", ông Lực nói.
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn quá cao sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp ngân sách lâu dài, doanh nghiệp sẽ "khó chồng khó" và thu nhập của người lao động trong ngành cùng các ngành liên quan như bao bì, vận tải, du lịch, ăn uống sẽ giảm.
Vì thế cần tính toán mức thuế, thời điểm và lộ trình tăng thuế phù hợp, khả thi, tránh tình trạng tăng nhanh quá, cao quá gây sốc cho doanh nghiệp, dẫn tới tác dụng ngược như lách luật, chuyển sang dùng thứ khác có tác hại nhiều hơn, ông Lực nhấn mạnh.
Còn theo TS Võ Trí Thành - viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lúc này trái chiều với chính sách kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ sau dịch. Cần duy trì chính sách hỗ trợ, kích cầu hết năm nay.
Về áp lực tăng thuế để tăng thu ngân sách, ông Thành phân tích: "Hai tháng đầu năm đã hoàn thành thu 1/4 ngân sách cả năm, nên lập luận tăng thuế để tăng thu chưa thuyết phục.
Đây là khoảng thời gian cần nghiên cứu kỹ hơn trước khi đưa ra chính sách mới về thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng quan tâm tới hiệu lực, hiệu quả chính sách".
Ở khía cạnh vĩ mô, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhìn nhận sự suy giảm về đầu tư, tiêu dùng trong ngành rượu bia sẽ ảnh hưởng tới tổng cầu và mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay. Bởi các doanh nghiệp do dự trong đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, ông Bình cho rằng chính sách cần ưu tiên hơn trong giai đoạn này là tăng trưởng GDP, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn đến từ cú sốc thuế quan toàn cầu.
Cũng theo dự thảo luật, nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 gram một 100 ml (nước ngọt) phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt. Ông Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng quyết định tăng thuế các mặt hàng như nước ngọt, bia rượu hay thuốc lá là vấn đề quan trọng do ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng.
Theo báo cáo do Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội thực hiện, dự báo đến 2030, có 2 triệu trẻ em Việt Nam sẽ bị béo phì. Do đó, ông Hạ cho rằng Việt Nam cần hài hòa lợi ích chung, tìm phương pháp, lộ trình điều chỉnh phù hợp.