Bỏ “room” tín dụng: Cần lộ trình thận trọng và nhiều điều kiện đồng bộ

Việc tiến tới gỡ bỏ "room" tín dụng và vận hành theo cơ chế thị trường là một định hướng quan trọng của Chính phủ, nhưng cần được thực hiện một cách thận trọng cũng như có lộ trình rõ ràng.

Để đồng hành cùng tiến trình cải cách chính sách điều hành tín dụng và tạo diễn đàn đối thoại đa chiều giữa giới chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và các chủ thể trên thị trường, ngày 25/7, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức tọa đàm: “Cơ chế kiểm soát tín dụng: Thay thế hạn mức bằng bộ tiêu chí an toàn”.

Bỏ “room” tín dụng: Cần lộ trình thận trọng và nhiều điều kiện đồng bộ- Ảnh 1.

Toạ đàm “Cơ chế kiểm soát tín dụng: Thay thế hạn mức bằng bộ tiêu chí an toàn”.

Khi “room” tín dụng không còn là “điểm tựa”

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng một bước cải cách quan trọng trong điều hành tín dụng. Theo đó, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước từng bước dỡ bỏ các biện pháp quản lý hành chính trong phân bổ tín dụng, chuyển sang điều hành theo nguyên tắc thị trường, dựa trên bộ tiêu chí kiểm soát rủi ro tín dụng mang tính khoa học, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Triển khai chỉ đạo này, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu và xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp với thực tiễn thị trường và năng lực quản trị của hệ thống ngân hàng thương mại. Đây là bước chuyển đổi quan trọng, đòi hỏi sự đồng bộ về thể chế, khung pháp lý, năng lực tài chính và năng lực quản trị rủi ro trong toàn hệ thống ngân hàng.

Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, việc bỏ room tín dụng cần được thực hiện theo lộ trình thận trọng và có điều kiện rõ ràng. Đại diện VNBA cho rằng nhiều tổ chức tín dụng hiện vẫn coi "trần tín dụng" như một điểm tựa an toàn. Một số ngân hàng, dù công bố áp dụng chuẩn Basel II hoặc Basel III, vẫn chưa có sự xác nhận độc lập về năng lực quản trị rủi ro nội tại, khiến chính bản thân họ cũng không đủ tin tưởng vào hệ thống của mình để tự quyết định việc mở rộng tín dụng.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng lưu ý, hệ số an toàn vốn (CAR) hiện tại của nhiều ngân hàng Việt Nam mới chỉ ở mức 10% – 12%, thấp hơn nhiều so với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (hệ số trên 20%). Điều này khiến hệ thống dễ bị tổn thương khi xảy ra biến động trên thị trường.

Bỏ “room” tín dụng: Cần lộ trình thận trọng và nhiều điều kiện đồng bộ- Ảnh 2.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

“Chính vì vậy, nếu loại bỏ room tín dụng, nhiều tổ chức tín dụng sẽ cảm thấy lúng túng, thậm chí không dám tự quyết định mở rộng tín dụng, bởi từ trước đến nay họ coi “trần tín dụng” của Ngân hàng Nhà nước như một điểm tựa an toàn”, TS. Nguyễn Quốc Hùng phân tích.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, cũng nhận định rằng, trong điều kiện hệ số an toàn vốn còn “mỏng manh”, chưa đủ để ứng phó với các cú sốc tài chính, thì việc bỏ room tín dụng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo ông, chỉ nên thực bỏ room tín dụng khi đáp ứng 5 điều kiện sau: Củng cố cơ chế điều hành lãi suất, nâng cao năng lực tài chính (đặc biệt là bộ đệm vốn), nâng cấp hệ thống giám sát rủi ro, công bố thông tin minh bạch và phát triển thị trường vốn thay thế.

Từ thực tiễn hoạt động của ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank, cho biết, với mạng lưới hoạt động rộng khắp, Agribank đã xây dựng các bộ tiêu chí quản lý tín dụng nội bộ dựa trên phân tích cả từ phía khách hàng và phía hệ thống. Trong bối cảnh tiến tới xóa bỏ room tín dụng, Agribank cũng đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng tín dụng theo ngành, lĩnh vực, đồng thời tăng cường kiểm tra – kiểm soát nội bộ để đảm bảo chất lượng tín dụng đi cùng với tốc độ tăng trưởng.

Ông Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ thêm, nếu không còn phân bổ tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng sẽ phải hoàn toàn tự xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng, không chỉ dựa vào quy mô vốn mà còn phụ thuộc vào năng lực quản trị rủi ro thực chất của từng đơn vị. Sự sai lệch giữa mục đích vay và sử dụng vốn, nếu không được phát hiện và xử lý đúng lúc, sẽ ảnh hưởng đến hệ số an toàn vốn và kéo theo rủi ro hệ thống.

Ngăn tín dụng chảy vào “sân sau” và đầu cơ

Một trong những vấn đề đặt ra khi bàn đến việc bỏ room tín dụng là khả năng kiểm soát dòng vốn, đảm bảo tín dụng đi đúng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế thay vì chảy vào các lĩnh vực rủi ro, đầu cơ hay “sân sau” của tổ chức tín dụng.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trong trường hợp gỡ bỏ room tín dụng, thay vì tập trung nguồn vốn vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, có thể xảy ra tình trạng dòng vốn chảy vào các lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là vào các “sân sau” của tổ chức tín dụng.

“Điều này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, làm méo mó hoạt động tín dụng, làm suy giảm tính minh bạch và ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống tài chính. Do đó, giải pháp kiểm soát và hạn chế tình trạng “sân sau” đang được cả ngành Ngân hàng và xã hội đặc biệt quan tâm”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2024 là bước tiến quan trọng để xác định hành vi thao túng ngân hàng từ phía nhóm cổ đông lớn, cũng như doanh nghiệp "sân sau" của tổ chức tín dụng khi đưa ra các quy định cụ thể nhằm tăng cường minh bạch và giám sát dòng vốn. Những quy định này bao gồm công khai thông tin về những người có liên quan, thiết lập cơ chế kiểm soát sở hữu và đầu tư liên quan giữa cổ đông, thành viên góp vốn với tổ chức tín dụng, đồng thời có lộ trình xử lý các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, một số tổ chức tín dụng vẫn lợi dụng quy định để hợp thức hóa các quan hệ sở hữu hoặc đầu tư dưới hình thức công ty con, vận hành như “sân sau” một cách tinh vi. Việc giải quyết triệt để vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa thanh tra, kiểm tra và kiểm soát nội bộ trong từng tổ chức tín dụng.

Xác định rõ ranh giới độc lập của Ngân hàng Nhà nước trong hoạch định và điều hành chính sách

Để giải quyết những lo ngại và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, nhấn mạnh đến yếu tố độc lập trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Đại học VinUni, để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hạn mức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần có quyền độc lập trong việc xác lập mục tiêu chính sách tiền tệ và xác định nhiệm vụ của mình, như mô hình đang được áp dụng tại nhiều quốc gia khác. Ông Tú Anh cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước phải cùng lúc đảm bảo nhiều mục tiêu như lãi suất thấp, ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát, trong khi không còn công cụ phân bổ tín dụng, thì sẽ rất khó khăn trong thực tiễn điều hành.

Ông Tú Anh phân tích, Việt Nam hiện nghiêng về mục tiêu ổn định tỷ giá hơn. Trong bối cảnh tiến tới bỏ room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần lựa chọn mô hình ưu tiên, có thể là lãi suất mục tiêu như mô hình của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), kết hợp với các công cụ thị trường mở để duy trì mức lãi suất trong biên độ đề ra. Ngoài ra, vai trò của chuyển đổi số và xây dựng hệ thống quản trị thông minh dựa trên dữ liệu thời gian thực cũng sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước chủ động can thiệp chính sách sớm và chính xác hơn.

TS. Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho rằng, muốn điều hành chính sách lãi suất hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước cần có hệ thống công cụ đầy đủ như tín phiếu, trái phiếu chính phủ, công cụ chiết khấu kỳ hạn ngắn và các sản phẩm phái sinh.

“Ngoài ra, hệ thống tài chính Việt Nam hiện vẫn chưa xây dựng và công bố được đường cong lãi suất chuẩn mực, công cụ quan trọng giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát các mục tiêu lãi suất”, ông Hoè cho biết.

Ông Hoè phân tích thêm, trong quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt trên 6%, nhưng cung tiền M2 chỉ tăng khoảng 3,5%, dẫn đến hệ số nhân tiền tệ thấp (khoảng 0,67 lần). Điều này cho thấy vòng quay tiền tệ thấp và dòng tiền có thể đang bị giữ lại ngoài hệ thống ngân hàng. Dù vậy, cán cân thanh toán vẫn thặng dư, giúp kiểm soát được tỷ giá và lạm phát nếu chính sách điều hành đủ linh hoạt.

Giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, phát triển thị trường vốn để phân tán rủi ro

Trong bối cảnh tín dụng ngân hàng vẫn chiếm phần lớn tổng vốn cung ứng cho nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng việc xóa bỏ room tín dụng cần song hành với việc phát triển các kênh huy động vốn thay thế, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và nghiên cứu tại Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank (VCBF) nhấn mạnh rằng, phần lớn vốn huy động trong hệ thống ngân hàng có kỳ hạn dưới 12 tháng, trong khi nhu cầu vay vốn trung và dài hạn đang ngày càng tăng. Sự chênh lệch giữa kỳ hạn huy động và cho vay này tạo nên rủi ro kỳ hạn nghiêm trọng cho hệ thống tài chính.

Theo ông Linh, để giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, cần thúc đẩy thị trường vốn phát triển mạnh hơn. Hiện nay, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 10% GDP – thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Một phần nguyên nhân là do các quy trình phát hành còn kéo dài và phức tạp, mất từ 6 tháng đến 1 năm để đưa trái phiếu ra công chúng. Đại diện VCBF đề xuất rút ngắn quy trình phát hành xuống còn vài tuần, đồng thời nới lỏng giới hạn đầu tư của các quỹ vào trái phiếu doanh nghiệp để kích hoạt dòng vốn dài hạn từ khu vực tài chính phi ngân hàng.

Bổ sung quan điểm này, ông Nguyễn Quang Thuân nhận định, nếu hai kênh dẫn vốn còn lại ngoài ngân hàng là trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu được phát triển đúng mức, thì Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng hàng năm từ 16% đến 20% mà vẫn đảm bảo an toàn hệ thống. Việc mở rộng thị trường vốn không chỉ giúp giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, mà còn phân tán rủi ro, tăng tính linh hoạt trong huy động vốn và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.