
Ảnh minh hoạ
Tại Đại hội, BIDV sẽ đệ trình kế hoạch tăng vốn thêm 21.656 tỷ đồng, lên gần 91.870 tỷ đồng (tương đương tăng 30,8%) thông qua ba phương án.
Thứ nhất, phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành tối đa hơn 498,5 triệu cổ phiếu (tương đương 7,1% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3/2025). Sau phát hành, vốn điều lệ tăng thêm hơn 4.985 tỷ đồng.
Đối tượng phát hành là các cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách cổ đông của BIDV tại thời điểm chốt quyền được nhận cổ phiếu theo phương án được ĐHĐCĐ thông qua và theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận lũy kế chưa phân phối năm 2023. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành tối đa gần 1.397,3 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ thực hiện 19,9% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3/2025). Sau phát hành, vốn điều lệ dự kiến tăng tối đa 13.972,510 tỷ đồng.
Thứ ba, phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư bằng hình thức chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng với số lượng tối đa 269,846 triệu cổ phiếu (tương ứng 3,84% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm 31/3/2025).
Đối với chào bán cổ phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và là tổ chức trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính, có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của BIDV. ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định cụ thể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đáp ứng các yêu cầu và số lượng cổ phần chào bán cho từng nhà đầu tư.
Đối tượng chào bán ra công chúng là các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có nhu cầu.
Thời gian thực hiện các phương án tăng vốn trên là là trong giai đoạn 2025-2026. ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm phát hành cụ thể sau khi nhận được sự chấp thuận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về phương án phát hành.
Ngày 22/01/2025, BIDV đã nhận được văn bản chính thức của NHNN về việc phân phối lợi nhuận năm 2023. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong năm 2025, BIDV sẽ thực hiện triển khai tăng vốn thông qua việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2023.
Ngoài nội dung trên, tại đại hội thường niên lần này, ban lãnh đạo BIDV sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo giới hạn NHNN giao, dự kiến 16%. Huy động vốn được điều hành phù hợp với sử dụng vốn. Lợi nhuận trước thuế sẽ theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngân hàng cho biết những chỉ tiêu chưa có số liệu chi tiết sẽ được BIDV cập nhật dựa trên cơ sở phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trước đó, chia sẻ tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh năm 2025 vào đầu năm, lãnh đạo BIDV cho biết ngân hàng đặt mục tiêu dư nợ tín dụng theo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,4%; Lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng phấn đấu tăng trưởng 6% đến 10%.
Năm 2024, lợi nhuận hợp nhất của BIDV ở mức gần 31.400 tỷ đồng, tăng trưởng 17,5%. Như vậy, ngân hàng này dự kiến đạt mức lợi nhuận khoảng 33.000 – 35.000 tỷ đồng trong năm 2025.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, BIDV cũng sẽ tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị được bầu bổ sung là thời hạn còn lại của nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Ngoài những nội dung trên, đại hội cũng sẽ xem xét, thông qua các vấn đề khác như: niêm yết các trái phiếu BIDV phát hành ra công chúng; kế hoạch ngân sách hoạt động, mức thu lao HĐQT, BKS và quỹ thưởng người quản lý năm 2025;...