Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định tất cả người dân đều có quyền tham gia BHYT và được hưởng quyền lợi theo phạm vi mức hưởng như nhau tùy theo nhóm đối tượng. Người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh (KCB) không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, việc thanh toán chi phí không bị ràng buộc bởi loại bệnh, tuổi tác, số ngày điều trị hay tổng chi phí KCB BHYT.
Cùng với đó, quyền lợi của người tham gia ngày càng được mở rộng về phạm vi và mức hưởng. Chất lượng KCB BHYT cũng không ngừng được nâng cao, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, hiệu quả.
Hiện nay, danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả đã cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu KCB của người bệnh, bao gồm hơn 1.000 hoạt chất, sinh phẩm tân dược cùng hàng trăm thuốc đông y và thuốc từ dược liệu. Trong đó có nhiều loại thuốc đặc trị các bệnh hiếm gặp như ung thư, rối loạn đông máu, tim mạch… Đây là các nhóm bệnh thường phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời với chi phí lớn. Người tham gia BHYT khi được chỉ định sử dụng sẽ được quỹ thanh toán đầy đủ và có thuốc dùng định kỳ hoặc lâu dài trong suốt quá trình điều trị.
Ngoài thuốc, người tham gia còn được quỹ BHYT chi trả chi phí dịch vụ kỹ thuật và vật tư y tế, trong đó có các kỹ thuật cao và chi phí lớn như phẫu thuật robot, thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Một số vật tư y tế được thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
![]() |
Trung bình mỗi năm quỹ BHYT đã chi trả hơn 100.000 tỷ đồng cho gần 150 triệu lượt người đi khám |
Nhiều trường hợp được BHYT chi trả tới hàng tỷ đồng mỗi năm
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2024 đến hết tháng 5/2025, đã có nhiều trường hợp người bệnh được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB với số tiền rất lớn. Cụ thể:
1. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất là hơn 4,888 tỷ đồng với chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích lũy glycogen”: mã thẻ BHYT TE13535212XXXXX, sinh năm 2019, tỉnh Hà Nam (cũ).
2. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 2 là hơn 4,304 tỷ đồng với chẩn đoán bệnh chính là “Thiếu máu, tích lũy glycogen và viêm phổi”: mã thẻ TE10101318XXXXX, sinh năm 2021, Hà Nội.
3. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 3 là hơn 4,287 tỷ đồng với chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích lũy glycogen”: mã thẻ TE13036226XXXXX, sinh năm 2019, tỉnh Hải Dương (cũ).
4. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 4 là hơn 4,221 tỷ đồng với chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích lũy glycogen, cơ tim phì đại”: mã thẻ TE13636227XXXXX, sinh năm 2020, tỉnh Nam Định (cũ).
5. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 5 là hơn 4,093 tỷ đồng với chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích lũy glycogen”: mã thẻ TE12626216XXXXX, sinh năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ).
6. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 6 là hơn 3,886 tỷ đồng với chẩn đoán bệnh chính là “Rối loạn chuyển hóa”: mã thẻ TE17979397XXXXX, sinh năm 2020, TP. HCM.
7. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 7 là hơn 3,374 tỷ đồng với chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích lũy glycogen”: mã thẻ TE10101319XXXXX, sinh năm 2021, Hà Nội.
8. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 8 là hơn 3,361 tỷ đồng với chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích lũy glycogen”: mã thẻ TE12626216XXXXX, sinh năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ).
9. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 9 là hơn 3,168 tỷ đồng với chẩn đoán bệnh chính là “Bệnh tích lũy glycogen, suy tim”: mã thẻ TE14545209XXXXX, sinh năm 2022, tỉnh Quảng Trị.
10. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 10 là hơn 3,034 tỷ đồng với chẩn đoán bệnh chính là “Suy tim sung huyết”: mã thẻ BT27979310XXXXX, sinh năm 1941, TP. HCM.
Trên thực tế, có rất nhiều người tham gia BHYT đã được sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và được quỹ chi trả tới hàng tỷ đồng. Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm quỹ BHYT đã chi trả hơn 100.000 tỷ đồng cho gần 150 triệu lượt người đi khám, chữa bệnh. Riêng năm 2024, tổng chi trả lên tới 142.985 tỷ đồng cho 183,6 triệu lượt người.
>> Quy định mới: BHYT thanh toán thế nào khi người bệnh tự mua thuốc, thiết bị y tế?