Báo nước ngoài nói về kỳ tích 'robot made in Vietnam': Giúp sản lượng tăng 3,5 lần, mỗi ngày xử lý trơn tru 4 triệu bưu kiện, ra đời nhờ bộ não tinh hoa của 11 kỹ sư

Robot tự hành nằm trong nỗ lực của Viettel Post nhằm tận dụng sự bùng nổ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Đêm Giáng sinh năm ngoái, tại một nhà kho ở ngoại ô Hà Nội, hàng nghìn gói hàng Shopee và TikTok Shop được dỡ xuống, phân loại và gửi tới khách hàng liên tục không ngừng nghỉ. Trên sàn nhà kho, hầu như không một bóng người. Chỉ có khoảng 200 con robot hình bọ cánh cứng chạy bon bon khắp cơ sở.

Lướt với tốc độ 2 mét/giây, chúng đi qua máy quét đọc mã QR dán trên các kiện hàng và tập trung làm nhiệm vụ cao cả. Những chiếc xe tự hành (AGV) này lần đầu tiên được ra mắt vào tháng 1/2024 bởi Viettel Post - công ty dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.

“Các máy chạy trên phần mềm do chính Viettel Post thiết kế hoàn toàn”, Bùi Quang Trung, giám đốc điều hành 26 tuổi tại bộ phận công nghệ nói với Rest of World . “Các robot này không mắc lỗi. Chỉ thỉnh thoảng mới có lỗi cơ học”.

Robot tự hành nằm trong nỗ lực của Viettel Post nhằm tận dụng sự bùng nổ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Tại kho hàng Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ đã giúp Viettel Post rút ngắn thời gian giao hàng từ 8–10 giờ, tăng sản lượng lên 3,5 lần và cải thiện công suất xử lý cho toàn bộ hệ thống lên khoảng 4 triệu bưu kiện mỗi ngày. Campuchia và Myanmar hiện là 2 thị trường Viettel Post mong muốn hướng tới cho các robot của mình.

“Công nghệ AGV hiện đại và phổ biến”, Trung nói. “Đó là xu hướng của các công ty logistics hiện nay”.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, ngành logistics của Việt Nam đã tăng trưởng từ 14% đến 16% lên khoảng 40 tỷ USD/năm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ xếp thứ 43 trong chỉ số hiệu suất của Ngân hàng Thế giới, tụt hậu so với các nước trong khu vực là Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Theo báo cáo 2023 của công ty nghiên cứu VietData, Viettel Post thống trị lĩnh vực logistics của Việt Nam với thị phần khoảng 17%. Công ty hiện phải cạnh tranh với doanh nghiệp bưu chính nhà nước khác là Vietnam Post, ứng dụng trong nước Be và các công ty tư nhân nước ngoài bao gồm J&T Express, Best Express, SPX của Shopee và Grab.

“Điều đó gây áp lực cho nhiều công ty logistics. Họ phải suy nghĩ về cách nắm bắt thị trường”, Hung Nguyen, giảng viên quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT ở Hà Nội, chia sẻ với Rest of World . Đối với các công ty nhà nước như Viettel Post, đây cũng là một “sứ mệnh chính trị”, ông nói.

“Làm thế nào để chúng ta tích hợp ngành logistics để cạnh tranh với các công ty quốc tế như Trung Quốc?”

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng phòng Logistics thương mại điện tử tại Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, chia sẻ với Rest of World rằng, không giống như cơ sở hạ tầng logistics tập trung của Trung Quốc, sự hợp nhất giữa người bán, nền tảng thương mại điện tử và các công ty logistics tại Việt Nam vẫn còn yếu .

Báo nước ngoài nói về kỳ tích 'robot made in Vietnam': Giúp sản lượng tăng 3,5 lần, mỗi ngày xử lý trơn tru 4 triệu bưu kiện, ra đời nhờ bộ não tinh hoa của 11 kỹ sư- Ảnh 1.

“Việt Nam có quá nhiều người bán hàng quy mô nhỏ và điều đó khiến công việc của trung tâm phân loại trở nên khó khăn”, ông nói.

Ngoài ra, để làm phức tạp thêm vấn đề, người mua thương mại điện tử Việt Nam lại thích trả tiền khi nhận hàng. Nhân viên giao hàng thường phải đi nhiều chuyến để tìm người nhận.

“Vì vậy, các công ty hậu cần có thêm một nhiệm vụ nữa, đó là thu tiền thanh toán”, ông Hùng cho biết.

Trong bối cảnh này, Viettel Post và Vietnam Post có một lợi thế cố hữu: mạng lưới rộng khắp. Quy mô hiện tại cho phép tự động hóa, theo lời ông Hùng từ RMIT.

Vào tháng 2 năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã chỉ đạo các công ty bưu chính lớn mở rộng phạm vi phủ sóng thương mại điện tử thông qua các giải pháp tập trung vào công nghệ và cơ sở hạ tầng. Viettel Post đã triển khai 10 nhóm, mỗi nhóm phụ trách một giai đoạn - chẳng hạn như kho bãi, vận chuyển, thủ tục hải quan và giao hàng chặng cuối, nhằm xây dựng các hệ thống tự động.

Robot của Viettel Post được phát triển bởi một nhóm được thành lập vào năm 2023. Nhóm này bao gồm 11 kỹ sư, trong đó một số người từng giành chiến thắng trong các cuộc thi robot trong nước và quốc tế.

Các kỹ sư bắt đầu công việc của mình bằng chuyến thăm Trung Quốc, nơi họ gặp gỡ các đồng nghiệp từ Cainiao, Yunda Express của Alibaba và Libiao. Mô hình từ dịch vụ bưu chính quốc gia Trung Quốc và gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon đã được nghiên cứu để rồi khi trở về Việt Nam, nhóm quyết định mua thêm robot do các đối thủ cạnh tranh của Viettel Post sản xuất để tìm hiểu phương thức hoạt động.

Canh bạc này đã được đền đáp xứng đáng.

Theo Trung, kể từ khi có robot, công nhân không còn phải chạy quanh kho để tách các gói hàng vốn có xu hướng rơi ra khỏi băng chuyền chuyển động nhanh. Năng suất tăng lên đáng kể.

Theo thông cáo báo chí của Viettel Post, một trong những khách hàng của họ, Yody - nhà bán lẻ thời trang Việt Nam với 300 cửa hàng trên cả nước - đã cắt giảm một nửa chi phí lao động sau khi mua 48 robot AGV và phần mềm quản lý kho.

“Tuy nhiên, mặt trái của việc tăng năng suất là nguy cơ mất việc làm, yêu cầu về kỹ năng mới và áp lực tinh thần đối với người lao động”, ông Phạm Trung Thành, giám đốc Viện Chuyển đổi sáng tạo và số hóa, đơn vị đào tạo và tư vấn về các dự án số hóa tại Việt Nam, chia sẻ với Rest of World .

Được biết trong năm qua, Viettel Post còn thử nghiệm máy bay không người lái giao hàng để tiếp cận các khu vực xa xôi, chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Ngoài robot AGV, công ty còn giới thiệu các hệ thống robot có cánh tay linh hoạt để tự động hóa kiểm tra kho vận, phân loại và xử lý vật liệt. 1.000 hộp thông minh — tủ kỹ thuật số nhiều ngăn giúp lưu trữ hàng cho những người nhận không có mặt — cũng được lắp đặt tại các tòa nhà Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh .

Vào tháng 1, Viettel Post giới thiệu những chú robot mới nhất đến kho hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

“Trước đây, việc sử dụng robot AGV nhập khẩu là lựa chọn phổ biến của các doanh nghiệp Việt Nam”, người phát ngôn của Viettel Post cho biết. “Bây giờ, công ty đang tự phát triển”.

Tuy nhiên, cách tiếp cận tự lực của Viettel Post không nhất thiết hiệu quả về mặt chi phí hoặc thời gian. Đây là lý do tại sao các công ty logistics tại Việt Nam thích nhập khẩu công nghệ có sẵn, ông Hùng từ hiệp hội logistics cho biết.

“Sự tập trung vào nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp nhà nước có thể được thúc đẩy bởi tham vọng vượt qua thị trường thương mại điện tử, ông Hùng nói và cho biết tự động hóa hậu cần mang đến cơ hội sở hữu công nghệ và Viettel muốn đi đầu. Điều này phù hợp với tham vọng của Việt Nam là chuyển đổi từ sản xuất và lắp ráp chi phí thấp sang các lĩnh vực công nghệ cao, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn.

Tháng 12 năm ngoái, Viettel Post khánh thành khu công nghiệp logistics lớn nhất Việt Nam, được xây dựng trên diện tích gần 144 ha với chi phí 130 triệu USD. Nơi đây sẽ được trang bị cơ sở dữ liệu chuẩn hóa, kết nối trực tiếp với dữ liệu hải quan của Việt Nam và Trung Quốc, nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuyên biên giới xuống dưới 24 giờ thay vì 4-5 ngày như hiện nay. Công ty cũng đang thành lập một công ty con tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để mở rộng hệ thống hậu cần xuyên biên giới.

Viettel Post tin rằng công nghệ sẽ đặt nền tảng cho sự chuyển đổi trong cơ sở hạ tầng logistics quốc gia. Việt Nam theo đó sẽ sớm trở thành trung tâm logistics khu vực, theo đúng mong muốn của Viettel Post.

Theo: Rest of World