Tại Hội thảo, triển lãm ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024 diễn ra ngày 21/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bùi Hoàng Phương cho biết, năm 2024 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn thông tin khi vươn lên vị trí 17/194 quốc gia về xếp hạng an ninh mạng toàn cầu.
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm nay, số vụ tấn công mạng ở nước ta đã giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Hệ thống giám sát quốc gia đã xử lý hơn 10,5 tỷ bản tin, ngăn chặn thành công hơn 14.552 website độc hại, bảo vệ an toàn cho hơn 11,32 triệu người dùng.
Nhận diện 2 vấn đề lớn liên quan tấn công mạng
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng chỉ ra rằng, chúng ta vẫn đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, như nạn lừa đảo trực tuyến vẫn diễn biến phức tạp với hàng trăm nghìn lượt phản ánh; hơn 90% camera giám sát có nguồn gốc nước ngoài đang đặt ra nhiều lo ngại về bảo mật dữ liệu quốc gia…
Đáng chú ý, nguồn nhân lực an ninh mạng của chúng ta còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 38.000 người, chủ yếu tập trung ở khu vực tư nhân.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng cho biết, các cuộc tấn công mạng liên tục phát triển với mức độ ngày càng tinh vi phức tạp, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI). Nguy cơ chúng ta phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng sẽ ngày càng tăng theo cấp số nhân.
Ông Trần Quang Hưng, Quyền Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cũng chia sẻ, chúng ta đang đối mặt với 2 vấn đề lớn liên quan đến tấn công mạng. Đó là tấn công mạng qua hệ thống thông tin, trong đó có hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và tấn công mạng, lừa đảo trên môi trường internet đối với khách hàng, người dân.
"Vì vậy, mọi cơ quan, tổ chức cần liên tục cải thiện năng lực an toàn thông tin, chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn thông tin và duy trì công tác này một cách liên tục", Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
An toàn thông tin cần được đặt lên hàng đầu. Tất cả các cơ sở dữ liệu quan trọng và các nền tảng số quốc gia phải được bảo vệ theo quy định tại Luật An toàn thông tin và Luật An ninh mạng.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Vnisa, việc đảm bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hạ tầng dữ liệu và các nền tảng số quốc gia chính là bảo vệ không gian mạng quốc gia và góp phần xây dựng nền móng an toàn, vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số.
Do đó, việc đảm bảo an ninh, an toàn cho hạ tầng dữ liệu và các nền tảng số cần phải được quan tâm ngay từ khi bắt đầu xây dựng, với nguyên tắc bảo đảm an toàn ở mức cao nhất. Bảo đảm an toàn thông tin phải luôn song hành với xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu và nền tảng số. Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và các doanh nghiệp công nghệ thông tin, an toàn thông tin đang hoạt động tại Việt Nam.
Hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Trong khuôn khổ hội thảo, triển lãm Ngày An toàn thông tin năm nay có một điểm nhấn quan trọng, đó là hội thảo "Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, trực tiếp là Câu lạc bộ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT tổ chức.
Tại đây, đa số chuyên gia khẳng định, trong bối cảnh các công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ và trở thành công cụ làm việc, giải trí không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người thì những nguy cơ rủi ro về sự an toàn, bảo mật thông tin, về đảm bảo quyền riêng tư cũng ngày càng gia tăng.
Với trẻ em, những nguy cơ, rủi ro này càng trở nên rõ nét hơn khi các em chưa có đủ kỹ năng để nhận diện và phòng tránh. Đây là những thách thức không chỉ của Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Bảo vệ trẻ em, tăng cường hợp tác kết nối trên không gian mạng để bảo vệ và trao quyền cho trẻ em là những vấn đề được đặt ra trên toàn cầu.
Chia sẻ về hoạt động bảo vệ trẻ em trên mạng thời gian qua, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Vnisa, cho biết, tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03 VNISA vừa ban hành tháng 6/2024 là mốc quan trọng góp phần thúc đẩy hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng.
Tiêu chuẩn này góp phần đánh giá chất lượng các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, từ đó giúp người dùng, các bậc phụ huynh có thể yên tâm hơn trong lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, cơ quan tổ chức cũng như đông đảo người dùng cùng chung tay trong công tác bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ, rủi ro trên không gian mạng.
Theo ông Đặng Vũ Sơn, Phó Chủ tịch Vnisa, nguyên Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nhìn nhận, Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025" đã tạo động lực thúc đẩy sự tham gia tích cực từ các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai, vẫn còn những hạn chế trong việc kết nối và phối hợp giữa các bên liên quan, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Vì vậy, với vai trò của mình, Vnisa cam kết đồng hành, hợp tác cùng các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp để thực hiện các sáng kiến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Cũng tại Hội thảo, triển lãm Ngày An toàn thông tin, Ban tổ chức đã khai trương Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin của Bộ TT&TT, do Cục An toàn thông tin thực hiện.
Nền tảng cung cấp miễn phí kho tri thức và thông tin cần thiết hỗ trợ hoạt động diễn tập, số hóa quy trình, chuẩn hóa kỹ thuật và kết nối các chuyên gia với tổ chức an toàn thông tin.
Hiền Minh