Ba kịch bản tăng trưởng GDP 2025 theo diễn biến thuế quan Việt – Mỹ
Ngày 22/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo tham vấn về báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Phương – Phó Tổng Giám đốc BIDV – cho biết đây là báo cáo toàn cảnh hiếm hoi đánh giá sâu sắc cả ba trụ cột của thị trường tài chính Việt Nam: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm. Báo cáo cung cấp thông tin độc lập, khách quan, đồng thời nhận diện xu hướng, cơ hội và rủi ro, từ đó đưa ra khuyến nghị nhằm phát triển thị trường an toàn, bền vững.
BIDV đặc biệt nhấn mạnh vai trò của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong việc cung ứng vốn trung – dài hạn cho nền kinh tế. Mặc dù có tín hiệu khởi sắc trong hai năm qua, thị trường này vẫn đối mặt nhiều rủi ro về pháp lý và niềm tin. Báo cáo đề xuất hoàn thiện khung pháp lý theo chuẩn quốc tế, tham chiếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan để tăng tính minh bạch và thúc đẩy phục hồi bền vững.
Một nội dung đáng chú ý trong báo cáo là đánh giá tác động của thuế quan đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ đến triển vọng kinh tế năm 2025. Theo BIDV, kết quả đàm phán về mức thuế nhập khẩu hàng Việt vào Mỹ sẽ có ảnh hưởng then chốt đến tăng trưởng GDP năm tới.
Kịch bản cơ sở (xác suất 60%): Việt Nam đàm phán thành công, Mỹ giảm mức thuế đối ứng còn 20-25% (so với mức 46% như hiện tại), GDP năm 2025 có thể đạt 6,5–7%.
Kịch bản tích cực (xác suất 20%): Mức thuế được hạ sâu về khoảng 10%, GDP có thể tăng mạnh lên 7,5–8%.
Kịch bản tiêu cực (xác suất 20%): Mỹ vẫn áp thuế cao hoặc giảm không đáng kể, GDP chỉ đạt 5,5–6%, giảm tới 2 điểm phần trăm so với dự báo ban đầu.
Dưới mọi kịch bản, lạm phát năm 2025 được dự báo ở mức 4–4,5%.
![]() |
Ông Trần Phương – Phó Tổng Giám đốc BIDV. |
Xuất khẩu chịu áp lực, kích cầu nội địa là điểm tựa
Ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB – nhận định rằng tác động từ chính sách thương mại của Mỹ sẽ khiến thương mại quốc tế đối mặt nhiều biến động. Dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng chững lại do tâm lý chờ đợi rõ ràng hơn từ chính quyền Mỹ.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu vào Mỹ trong thời gian 90 ngày “chờ thuế” để đón đầu các chính sách thuế quan mới. Tuy nhiên, nếu mức thuế cao được chính thức áp dụng, tác động tiêu cực đến xuất khẩu toàn cầu – trong đó có Việt Nam – sẽ trở nên rõ rệt từ năm 2025 và đạt đỉnh vào năm 2026.
“Trong bối cảnh cầu nhập khẩu toàn cầu suy giảm, cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, Việt Nam cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Hùng nói. Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa được kỳ vọng trở thành “điểm tựa” quan trọng cho tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó.
Trước áp lực từ môi trường bên ngoài, nhiều ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Dù áp lực lạm phát toàn cầu chưa quá lớn, đặc biệt bên ngoài nước Mỹ, xu hướng giảm giá hàng hóa và cạnh tranh giảm nhiệt đã tạo dư địa để hạ lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng.
Theo ADB, tăng trưởng khu vực sẽ chậm lại dần trong các năm tới: từ 5% năm 2024, xuống 4,9% năm 2026 và chỉ còn 4,7% vào năm 2027. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa từ các quốc gia có dân số lớn vẫn sẽ là động lực duy trì mức tăng trưởng ổn định.
Bối cảnh quốc tế biến động, đặc biệt từ chính sách thuế quan của Mỹ, đòi hỏi Việt Nam phải linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô. Ngoài việc tiếp tục đàm phán thương mại hiệu quả, việc kích cầu tiêu dùng, đa dạng hóa xuất khẩu và phát triển thị trường tài chính là ba trụ cột cần tập trung để đảm bảo tăng trưởng ổn định trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
>> ADB và WB tài trợ hơn 400 triệu USD cho ba dự án lớn tại Việt Nam