8 nhóm sản phẩm sẽ bắt buộc truy xuất nguồn gốc: Doanh nghiệp cần lưu ý

Nhằm tăng cường tính minh bạch, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đề xuất áp dụng truy xuất nguồn gốc bắt buộc đối với 8 nhóm sản phẩm quan trọng.

8 nhóm sản phẩm sẽ bắt buộc truy xuất nguồn gốc: Doanh nghiệp cần lưu ý
8 nhóm sản phẩm thuộc diện bắt buộc truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh hoạ

Dựa trên quy định của Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương xác định 8 nhóm sản phẩm thuộc diện bắt buộc truy xuất nguồn gốc, bao gồm bia, rượu - cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, bột - tinh bột, bánh - mứt - kẹo và các dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến và kinh doanh.

Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với các nhóm sản phẩm này nhằm nâng cao chất lượng quản lý, giúp doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại địa chỉ https://votas.vn/. Hệ thống này kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, giúp doanh nghiệp cập nhật thông tin sản phẩm một cách chính xác và đồng bộ.

Song song đó, Cục Xúc tiến thương mại cũng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc iTrace247 tại https://itrace247.com/. Hệ thống này cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc trực tuyến, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất dễ dàng quản lý thông tin về sản phẩm. Người tiêu dùng cũng có thể theo dõi nhật ký điện tử ghi nhận toàn bộ quá trình canh tác, sản xuất, chế biến, vận chuyển và phân phối, từ đó hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, địa lý cũng như phương thức tạo ra sản phẩm.

Ngoài ra, hệ thống iTrace247 còn hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng công cụ số để xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao độ tin cậy của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Các thông tin sản phẩm có thể hiển thị bằng nhiều ngôn ngữ, đáp ứng yêu cầu minh bạch của các thị trường xuất khẩu. Hiện nay, iTrace247 đang được nâng cấp với công nghệ chuỗi khối (blockchain), giúp đảm bảo tính minh bạch và an toàn dữ liệu, đồng thời đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường quốc tế.

Bộ Công Thương đang nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý truy xuất nguồn gốc. Các giải pháp đang được triển khai bao gồm tăng cường bảo mật dữ liệu, kiểm tra tính hợp lệ của thông tin, tự động hóa quy trình xác thực để giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi trạng thái sản phẩm. Đồng thời, hệ thống sẽ phân tích dữ liệu lịch sử để dự báo nhu cầu thị trường, cung cấp cảnh báo sớm về rủi ro trong chuỗi cung ứng và xây dựng hệ thống phân quyền truy cập dữ liệu dựa trên nhu cầu sử dụng thực tế.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng nghiên cứu phương pháp phát hiện và ứng phó với rủi ro an ninh mạng, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai truy xuất nguồn gốc hiệu quả. Để đảm bảo tính tuân thủ, các đơn vị chức năng sẽ phối hợp giám sát việc thực hiện quy định pháp luật, kiểm tra hoạt động truy xuất nguồn gốc tại các địa phương.

Trong năm 2025, Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bộ cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng mô hình hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức khoa học - công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý.

Bên cạnh đó, trang thông tin điện tử về truy xuất nguồn gốc tại địa chỉ https://truyxuat.gov.vn/ sẽ được hoàn thiện và đưa vào vận hành nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

>>Báo nước ngoài nói về kỳ tích 'robot made in Vietnam' Viettel Post, sản lượng tăng 3,5 lần, xử lý 4 triệu bưu kiện mỗi ngày