Từ cuối năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện và triệt phá một đường dây sản xuất, tiêu thụ mỹ phẩm giả do một cặp nam nữ điều hành, với tổng số tiền thu lợi bất chính lên tới hơn 6 tỷ đồng.
Qua công tác nắm tình hình trên các sàn thương mại điện tử, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tài khoản Shopee như "Bn Store 2024", "Bibo Comesticc", "Nhungnguyen010798", "Vliwwfo6-r" cùng các tài khoản TikTok như "Sare Comesticc", "Coca Beauty" có dấu hiệu quảng bá, rao bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, bao gồm khử mùi cơ thể, serum trị mụn, kem trắng da…
>> Mặt hàng tỷ đô dưới nước của Việt Nam bứt tốc xuất khẩu sang Mỹ, cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc
![]() |
Hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm như kem dưỡng da, serum trị mụn, lăn khử mùi… đã bị làm giả với quy mô lớn tại Bắc Giang. Ảnh: Tổng hợp |
Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 7.5, Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành kiểm tra khẩn cấp nhà ở của Nguyễn Văn Khánh (29 tuổi) tại thôn Lải, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang. Tại đây, lực lượng chức năng bắt quả tang Khánh cùng Nguyễn Thị Hiên (22 tuổi, cùng trú tại thôn Lải) đang tổ chức sản xuất và đóng gói mỹ phẩm giả.
Khám xét hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 13 loại mỹ phẩm giả với tổng số 2.468 thành phẩm, bao gồm kem tẩy trang, kem dưỡng da, serum trị mụn Demi Skin 3 days, SEIMY skin 7 days plus, KT'skin serum; các loại lăn và xịt khử mùi như STOPIREX, Cú đấm thép, Hải Sen, BEUFRES, nước cất phèn chua ALUFAN, INOD Armpit Serum, Crystal 24 Hour...
![]() |
Nguyên liệu được Khánh mua trôi nổi ngoài thị trường. Ảnh: Tổng hợp |
Ngoài ra, cảnh sát còn thu giữ khoảng 104.000 tem chống hàng giả và nhãn mác các loại; gần 10.000 chai, lọ; hàng triệu vỏ bao bì mỹ phẩm; 300kg nguyên liệu sản xuất gồm phèn chua, dung dịch, hương liệu không rõ nguồn gốc; cùng nhiều thiết bị, máy móc như máy dập date, máy co màng, băng chuyền đóng gói.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Khánh khai nhận do nhận thấy nhu cầu sử dụng mỹ phẩm tăng cao nên đã lên mạng tìm hiểu cách sản xuất mỹ phẩm giả để kiếm lời. Khánh đặt in tem nhãn, bao bì giả; mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc cùng thiết bị sản xuất về tự pha chế và đóng gói tại nhà. Các sản phẩm được rao bán trên các nền tảng Shopee, TikTok, giao hàng qua dịch vụ COD.
Tính từ cuối năm 2024 đến nay, Khánh và Hiên đã tiêu thụ thành công hơn 100.000 đơn hàng trên khắp cả nước, thu lợi bất chính hơn 6 tỷ đồng.
Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục điều tra, làm rõ.
>> Từ 2025: 2 nhóm cán bộ, công chức sắp phải nghỉ việc trước khi kết thúc lộ trình sắp xếp hành chính