Luật Nhà giáo 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, đánh dấu bước chuyển lớn trong việc xác lập địa vị pháp lý của nhà giáo trong hệ thống pháp luật. Với nhiều điểm mới mang tính đột phá, Luật hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ, bảo đảm quyền lợi và chính sách đãi ngộ, hỗ trợ toàn diện cho giáo viên trong cả cơ sở công lập và ngoài công lập.
Trong phạm vi tuyển dụng, điều động, biệt phái và thuyên chuyển nhà giáo, Luật có nhiều quy định mới đáng chú ý.
Bắt buộc thực hành sư phạm khi tuyển dụng nhà giáo
Theo Điều 14 của Luật, từ ngày 1/1/2026, tuyển dụng nhà giáo sẽ phải tuân thủ chuẩn nghề nghiệp và được thực hiện theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển. Đặc biệt, điểm mới nổi bật là yêu cầu bắt buộc phải có phần thực hành sư phạm trong quy trình tuyển dụng.
![]() |
Những quy định mới trong việc tuyển dụng, thuyên chuyển, biệt phái,... sẽ tác động đến giáo viên, đặc biệt là với người mới vào nghề. Ảnh minh hoạ |
Thực hành sư phạm có thể bao gồm: soạn kế hoạch bài dạy, đứng lớp giảng dạy, xử lý tình huống sư phạm... nhằm đánh giá trực tiếp kỹ năng giảng dạy, truyền đạt kiến thức và quản lý lớp học – những năng lực cốt lõi mà một nhà giáo cần có.
Thẩm quyền tuyển dụng được phân định rõ:
- Cơ sở giáo dục công lập (nghề nghiệp và đại học): do người đứng đầu thực hiện.
- Cơ sở giáo dục ngoài công lập: theo quy chế tổ chức và hoạt động riêng.
- Trường thuộc lực lượng vũ trang: theo quy định của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an.
- Các cơ sở giáo dục còn lại (như mầm non, phổ thông): theo quy định của Bộ GD-ĐT. Hiện Bộ đang lấy ý kiến dự thảo hướng dẫn cụ thể.
Đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng gồm người có kinh nghiệm giảng dạy thực tế, đặc biệt là người có kỹ năng nghề cao trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Các trường hợp không được tham gia tuyển dụng bao gồm: Người mất năng lực hành vi dân sự, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc có tiền án về các tội xâm phạm an ninh, tính mạng, danh dự con người...
Điều động nhà giáo linh hoạt và minh bạch
Điều 17 quy định việc điều động giáo viên được thực hiện để: Giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên giữa các địa phương, cơ sở giáo dục; Bố trí lại giáo viên khi sắp xếp cơ sở giáo dục hoặc hỗ trợ chất lượng giảng dạy, quản lý giáo dục tại các vùng khó khăn.
Nguyên tắc điều động phải bảo đảm công khai, minh bạch và khách quan. Giáo viên được điều động phải phù hợp với yêu cầu của vị trí mới.
>> Quy định mới nhất về trình độ, bằng cấp với giáo viên theo Luật Nhà giáo 2025: Bằng không chính quy, tại chức có được đứng lớp không?
Một số trường hợp được miễn điều động, trừ khi có nguyện vọng gồm: Giáo viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng; Giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vợ/chồng đang công tác tại vùng khó khăn; Nhà giáo chưa hoàn tất chuyển đổi vị trí công tác theo quy định phòng chống tham nhũng.
Quy định mới về biệt phái và thuyên chuyển
Điều 18 và 19 của Luật nêu rõ các quy định về biệt phái và thuyên chuyển nhà giáo:
- Biệt phái nhà giáo trong các cơ sở công lập sẽ thực hiện theo quy định về viên chức.
- Việc thuyên chuyển nhà giáo chỉ được thực hiện khi có sự đồng thuận của cả cơ sở chuyển đi, cơ sở chuyển đến và cơ quan quản lý.
Đặc biệt, giáo viên chưa đủ 3 năm công tác kể từ ngày tuyển dụng sẽ không được thuyên chuyển, trừ khi tự nguyện đến vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
![]() |
Với những chính sách mới sẽ giúp giáo viên yên tâm cống hiến với nghề. Ảnh minh hoạ |
Các trường hợp không được thuyên chuyển còn bao gồm: Giáo viên đang bị kỷ luật, điều tra, thanh tra…; Giáo viên đang trong thời gian xử lý kỷ luật.
Luật Nhà giáo 2023 không chỉ chú trọng khung pháp lý cho nghề giáo mà còn mở ra nhiều kỳ vọng về cải thiện đời sống. Với việc quy định rõ ràng về tuyển dụng, sử dụng, điều động và chính sách đãi ngộ, giáo viên trong tương lai có cơ hội được “sống được bằng lương”, được bảo vệ cả về nghề nghiệp lẫn quyền lợi cá nhân, nhất là khi công tác ở vùng sâu, vùng xa.
>> Quy định mới nhất về chế độ thai sản đối với lao động nam khi tham gia BHXH, nắm chắc để hưởng đủ quyền lợi