Văn phòng gia đình và những lưu ý cho doanh nghiệp gia đình Việt Nam

Doanh nghiệp gia đình là tài sản, động lực phát triển của mỗi quốc gia. Trong doanh nghiệp gia đình, sự phối hợp chặt chẽ giữa quản trị doanh nghiệp và quản trị gia đình là một trong những vấn đề trọng yếu quyết định sự thành công.

Để đảm bảo di sản gia đình được phát triển trường tồn, việc chuyển giao là xu hướng tất yếu; nhưng làm sao để chuyển giao thành công cho thế hệ kế cận không phải là một "bài toán" dễ dàng, đặc biệt với những gia đình có quy mô doanh nghiệp và tài sản lớn thì lại càng thách thức. Trong bối cảnh này, văn phòng gia đình có thể là một công cụ, nguồn lực hữu hiệu để hỗ trợ các gia đình trong quá trình chuyển giao và quản lý gia sản.

Hiểu về văn phòng gia đình

Văn phòng gia đình là một tổ chức được thành lập để giám sát và quản lý các vấn đề tài chính, đầu tư và đảm bảo tính bền vững cho tài sản của gia đình, bao gồm cả việc chuyển giao tài sản hiệu quả qua các thế hệ. Văn phòng gia đình thường hoạt động như một công ty, có đội ngũ chuyên gia, và có thể được tổ chức như một thực thể riêng biệt quản lý gia sản cho một gia đình hoặc cung cấp dịch vụ cho nhiều gia đình khác nhau, hoặc cũng có thể được xây dựng nội bộ trong doanh nghiệp gia đình.

"Quyết định thành lập văn phòng gia đình phụ thuộc vào sự sẵn sàng của gia đình trong việc chuyên nghiệp hóa các hoạt động quản lý tài sản và quản trị gia đình. Mỗi văn phòng gia đình có thể được thiết lập theo nhu cầu của doanh nghiệp gia đình, phù hợp với các giá trị truyền thống của gia đình". Ông Hoàng Việt Cường, Lãnh đạo Dịch vụ Doanh nghiệp Tư nhân & Gia đình của PwC tại Việt Nam chia sẻ.

Hầu hết các văn phòng gia đình đều hỗ trợ các gia đình giàu hoặc siêu giàu ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ tư vấn về chiến lược, thực hiện quản trị và giám sát đảm bảo việc tuân thủ các quy định về thuế và pháp lý, cho đến hỗ trợ các vấn đề kinh doanh, quản lý tài sản và danh mục đầu tư, lên kế hoạch và thực hiện quá trình chuyển giao nhằm đảm bảo giữ gìn di sản cho gia đình qua các thế hệ. Ngoài ra, văn phòng gia đình cũng hỗ trợ các thành viên gia đình trong các vấn đề lối sống cá nhân và các hoạt động từ thiện.

Văn phòng gia đình và những lưu ý cho doanh nghiệp gia đình Việt Nam- Ảnh 1.

Nguồn: PwC

Những lưu ý khi quyết định thành lập văn phòng gia đình

Doanh nghiệp gia đình cần phải xác định các mục tiêu và nhu cầu khi thiết lập văn phòng gia đình. Ngoài ra, các yếu tố như giá trị tài sản của gia đình, mức độ phức tạp trong cấu trúc gia đình và sở hữu các tài sản, sự tách biệt giữa doanh nghiệp và tài sản gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên gia đình, việc tuân thủ các quy định về thuế và pháp lý, v.v cũng cần được xem xét khi xác định thời điểm, mô hình, địa điểm và cách thức thiết lập văn phòng gia đình.

Hiện nay châu Á được xem là địa điểm hấp dẫn cho các văn phòng gia đình, trong đó Singapore chiếm hơn 50% số lượng văn phòng gia đình tại khu vực. Nhiều gia đình giàu có trên thế giới đã lựa chọn Singapore để thiết lập văn phòng đầu tư, quản lý tài sản và lập kế hoạch chuyển giao cho thế hệ kế cận. Vậy đâu là những tiêu chí cần được xem xét khi lựa chọn địa điểm cho văn phòng gia đình?

Ông Nguyễn Thành Trung, Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn Thuế và Pháp lý của PwC tại Việt Nam chia sẻ: "Môi trường pháp lý và chính sách thuế là những yếu tố quan trọng đối với một công ty quản lý tài sản gia đình, xét về cả góc độ chi phí cũng như những tác động đối với khả năng bảo vệ và phát triển danh mục tài sản. Trong khi pháp lý là yếu tố cơ bản quyết định cách thức hoạt động của văn phòng gia đình, thì thuế ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận ròng thu được của gia đình. Các chính sách thuế ở từng khu vực có thể có nhiều khác biệt, nên đòi hỏi sự am hiểu về các loại thuế đánh trên tài sản, bản thân công ty quản lý tài sản gia đình và những người thụ hưởng ở từng khu vực nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro thuế cũng như đạt được sự tối ưu hóa về thuế".

Văn phòng gia đình và những lưu ý cho doanh nghiệp gia đình Việt Nam- Ảnh 2.

Các tiêu chí cần xem xét khi lựa chọn địa điểm thiết lập văn phòng gia đình:

Khung quy định và cấu trúc pháp lý: Môi trường pháp lý là một trong những yếu tố chính cần cân nhắc khi lựa chọn địa điểm, vì đây là yếu tố cơ bản quyết định cách thức hoạt động của văn phòng gia đình. Các yếu tố liên quan cần cân nhắc như chi phí tuân thủ các yêu cầu pháp lý, vai trò của quy định pháp lý đối với sự an toàn của các khoản đầu tư và cấu trúc văn phòng gia đình.

Chính sách thuế: Các doanh nghiệp gia đình cần cân nhắc ảnh hưởng của các chính sách thuế tại khu vực lựa chọn đến hiệu suất danh mục đầu tư và cách tiếp cận trong quản lý thuế để giúp gia đình bảo toàn tài sản và tăng thu nhập, cũng như xem xét thêm các đánh giá của các tổ chức quốc tế về chính sách thuế tại khu vực.

Khả năng tiếp cận nhân tài và các chuyên gia có kỹ năng cao: Văn phòng gia đình sẽ quản lý các tài sản có giá trị cao cũng như có quyền truy cập vào các thông tin về người thụ hưởng và các vấn đề khác của gia đình, vì vậy việc lựa chọn những người phù hợp để quản lý là hết sức quan trọng.

Khả năng tiếp cận các dịch vụ chuyên nghiệp: Khi đánh giá địa điểm thiết lập văn phòng gia đình, tính khả thi về các dịch vụ kinh doanh và các dịch vụ chuyên môn cần thiết cho văn phòng gia đình hoạt động cần được cân nhắc. Các dịch vụ này bao gồm tư vấn ngân hàng, kế toán và thuế, hỗ trợ CNTT, bảo mật dữ liệu, hạ tầng internet, v.v..

Danh tiếng quốc gia: Danh tiếng các quốc gia, khu vực được cộng đồng quốc tế đánh giá khác nhau dựa trên các tiêu chí như tính minh bạch, xử lý công bằng, liêm chính và tránh tham nhũng. Việc lựa chọn địa điểm không phù hợp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của cá nhân, người thụ hưởng, các tổ chức và cả văn phòng gia đình.

Sự ổn định về kinh tế, chính trị: Khi chọn địa điểm, cần đảm bảo rằng môi trường kinh tế - chính trị của khu vực sẽ ổn định trong tương lai, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của văn phòng gia đình. Để đánh giá và so sánh mức độ ổn định của các khu vực, doanh nghiệp gia đình có thể sử dụng các chỉ số uy tín toàn cầu như Niên giám Cạnh tranh Thế giới của IMD.

Các quy định nhập cư, thị thực đầu tư: Các quy định về nhập cư, thị thực đầu tư có hiệu lực tại một quốc gia có thể là yếu tố khi lựa chọn địa điểm thiết lập văn phòng gia đình, đặc biệt đối với những cá nhân đang tìm kiếm nơi sống an toàn cho gia đình.

Văn hóa, tiêu chuẩn sống và khả năng kết nối: Sự hấp dẫn của một địa điểm để thiết lập văn phòng gia đình còn phụ thuộc vào các yếu tố như chuẩn mực xã hội, văn hóa, cơ sở hạ tầng, an ninh, hệ thống giáo dục, kết nối giao thông trong nước và quốc tế.

Văn phòng gia đình và những lưu ý cho doanh nghiệp gia đình Việt Nam- Ảnh 3.

Nguồn: PwC

Link nội dung: https://taichinhforum.com/van-phong-gia-dinh-va-nhung-luu-y-cho-doanh-nghiep-gia-dinh-viet-nam-a104918.html