Đồng ý nâng quy mô vốn đầu tư công dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng

Chiều 29/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, với 441/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,07%), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý về nhóm chính sách đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết:

Về nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc điều chỉnh tăng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng, đề nghị điều chỉnh tăng 2 lần để tương đồng với các nhóm dự án A, B, C.

Ông Lê Quang Mạnh cho biết, thực tế, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được áp dụng từ năm 1997, đến nay, quy mô nền kinh tế của nước ta đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2013; nguồn lực đầu tư công đã và đang được tập trung cho các dự án quy mô lớn, có tính chất liên vùng, có tính lan tỏa cao.

Đồng ý nâng quy mô vốn đầu tư công dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh (Ảnh: Media Quốc hội).

Việc nâng quy mô vốn đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng nhằm phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công, bảo đảm tính ổn định trong thực hiện Luật.

Đối với các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, thống nhất với phương án Chính phủ trình và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đã đồng thuận. Với tinh thần đó, xin được giữ như phương án Chính phủ trình.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C, nhiều ý kiến cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án từ HĐND sang UBND là thay đổi lớn, cần nghiên cứu đánh giá tác động kỹ lưỡng; một số ý kiến nhất trí với đề xuất phân cấp cho UBND các cấp nhằm giảm thủ tục hành chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, đúng như ý kiến ĐBQH đã nêu, việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn từ thẩm quyền của HĐND các cấp sang UBND các cấp. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, việc thay đổi về thẩm quyền đã được cân nhắc kỹ từ thực tế, việc giao cho UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần thiết đã được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019. 

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C cho UBND cùng cấp. 

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính chặt chẽ, dự thảo Luật đã bổ sung thẩm quyền "quyết định chủ trương đầu tư dự án" đi đôi với trách nhiệm "báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất". Với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, xin báo cáo Quốc hội cho phép quy định phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.

Đồng ý nâng quy mô vốn đầu tư công dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng- Ảnh 2.

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) (Ảnh: Hoàng Bích).

Về phân cấp thẩm quyền điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn, ông Mạnh cho biết, một số ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc quy định phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ.

Sửa Luật Đầu tư công: Không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế "xin-cho"

Về nội dung này, ông Mạnh cho hay, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần đổi mới, nhằm tăng cường tính linh hoạt trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, quy định này cũng phù hợp với việc quy định danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là danh mục "dự kiến", việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ được thực hiện thường xuyên hơn để phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh này thực hiện trong "khung": "không vượt tổng mức vốn trung hạn đã được Quốc hội quyết định, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất" nên sẽ bảo đảm tính chặt chẽ. Vì vậy, xin giữ như quy định tại khoản 3 Điều 71 của Dự thảo luật chỉnh lý.

Điều 8. Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia trong Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định:

Dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí sau đây:

1. Sử dụng vốn đầu tư công từ 30.000 tỷ đồng trở lên;

2. Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm:

a) Nhà máy điện hạt nhân;

b) Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;

3. Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên;

4. Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác;

5. Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.